Quảng Ngãi đề xuất gỡ khó cho phát triển cụm công nghiệp
Chưa có cụm công nghiệp nào có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệpđến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ngãi dự kiến có 42 cụm công nghiệp với tổng diện tích 794,26 ha. Hiện 24 cụm công nghiệp với diện tích quy hoạch 451,76 ha đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trong đó, có 17 cụm công nghiệp phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cụm công nghiệp đã và đang hoạt động với tổng diện tích 277,2 ha; thu hút 134 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.050 tỷ đồng; tạo việc làm cho 3758 lao động địa phương; đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 67,3%.
Những năm qua Quảng Ngãi được sự trợ sức đáng kể từ Bộ Công Thương thông qua chương trình khuyến công quốc gia cho phát triển cụm công nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, từ chương trình khuyến công quốc gia, năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh (hạng mục đường giao thông nội bộ) với kinh phí hỗ trợ 2.870 triệu đồng; năm 2018 được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Ba Động với kinh phí hỗ trợ 2.688 triệu đồng; năm 2019 được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Ba Làng với kinh phí hỗ trợ 4.000 triệu đồng.
Quảng Ngãi đề xuất gỡ khó cho phát triển cụm công nghiệp. Ảnh Hữu Phúc |
Bản thân địa phương cũng đã nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1428/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế.
Mặc dù đã được sự hỗ trợ cũng như tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng hiện trạng phát triển của cụm công nghiệp chưa đạt kỳ vọng. Đến nay, chưa cụm công nghiệp nào trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động. Đặc biệt, dù đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư nhưng trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, các cụm công nghiệp còn lại đều do Ban quản lý cụm công nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư.
Đề xuất gỡ vướng
Theo ông Hà Đức Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về Quản lý phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 32) có hiệu lực kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hiện trạng phát triển khó khăn của các cụm công nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên qua nghiên cứu nội dung Nghị định 32 cùng thực tế phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Thắng cho rằng, cần một số điều chỉnh giúp công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp thuận lợi hơn.
Theo đó thủ tục quyết định thành lập cụm công nghiệp và chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư vẫn đang rất rối, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện 2 bộ hồ sơ xin thành lập và đầu tư cho 1 cụm công nghiệp. Mặt khác, xét về hiệu lực pháp lý, Luật Đầu tư có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định 32, do vậy khi thẩm định dự án tại Sở Xây dựng và quá trình giao đất sau này, Sở Tài Nguyên và Môi trường vẫn căn cứ theo Luật Đầu tư. Do vậy, với nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn và gỡ rối cho địa phương trong quá trình thành lập cụm công nghiệp mới.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có trong 16 cụm công nghiệp được ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương không bổ sung ngân sách để tiếp tục đầu tư mà sẽ chuyển qua cho doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư - điều này cũng đã được quy định tại Nghị định 32. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có quy định cụ thể về hồ sơ chuyển giao, tiếp nhận, kiểm kê xác định giá trị công trình, chi phí phát sinh... “Với nội dung này, Sở Công Thương Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn cụ thể để các Sở ngành địa phương có căn cứ triển khai thực hiện”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trước kiến nghị của lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Ngãi, ông Phạm Hồng Phong, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải đáp, trong quá trình xây dựng Nghị định 32, chúng tôi muốn ghép 2 thủ tục về quyết định thành lập cụm công nghiệp và chủ trương đầu tư cụm công nghiệp, bởi cả 2 thủ tục này thẩm quyền quyết định thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên qua nhiều tham vấn cho thấy việc ghép 2 thủ tục này chưa khả thi.
“Bộ Công Thương đã khéo léo lựa chọn phương án để ngỏ không nhắc đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để sau này trường hợp sửa Luật Đầu tư, chúng tôi sẽ đề xuất để làm sao thủ tục thành lập cụm công nghiệp rõ ràng, cụ thể hơn”, ông Phong cho hay.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cũng lý giải, Nghị định số 32 điều chỉnh tới tất cả các đối tượng liên quan đến cụm công nghiệp như chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp... Do đó, không thể đề cập tới từng nội dung, vấn đề trong Nghị định.
“Về những kiến nghị liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư vào cụm công nghiệp, Bộ Công Thương đã gửi tới các địa phương Dự thảo Hướng dẫn thực hiện Nghị định 32, đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ góp ý vào nội dung đã đề cập; có thể đề xuất thêm nội dung cần thiết phải hướng dẫn thêm, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu và có hướng dẫn cụ thể”, ông Trung nói.