Quảng Ngãi: Tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững
Chiều 16/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Nghĩa Hành tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch; du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2025.
Ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu. Ảnh: Thy Phước |
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai kế hoạch phát triển du lịch; xây dựng, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch; phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân; xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và những giải pháp thiết thực, hiệu quả đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nêu 5 vấn đề cần hướng đến, gồm: Tăng cường đổi mới, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch, đánh giá thực trạng và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý và phát triển du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng truyền thông du lịch, phát huy vai trò hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong phát triển du lịch, cần đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến về phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Quảng Ngãi.
Qua đánh giá cho thấy, hiện Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn như công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các hoạt động của ngành chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, tình trạng các điểm du lịch tự phát hoạt động ở các địa phương; lượng khách du lịch tăng mạnh về số lượng nhưng chủ yếu là khách tham quan vào mùa lễ hội và các sự kiện; thiếu sản phẩm du lịch đa dạng; thiếu sự liên kết trong phát triển du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tiến hành ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Thy Phước |
Chủ trì Hội nghị, ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: Qua trao đổi, thảo luận cơ bản đã chỉ rõ những kết quả đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, cũng nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức với sự phát triển của du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương ghi nhận các ý kiến, nhanh chóng giải quyết khó khăn trong phát triển du lịch. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch với phương thức đa dạng, nội dung phong phú để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khuôn chương trình, Quảng Ngãi cũng công bố và trao quyết định công nhận Khu du lịch cấp tỉnh cho Khu du lịch sinh thái Suối Chí, bàn giao 2 mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn (Bình Châu, Tịnh Khê) cho địa phương. Trong chương trình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tiến hành ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trong năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong việc khai thác tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và nông thôn. Các điểm đến như Khu du lịch cấp tỉnh Suối Chí, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, Bình Châu, Tịnh Khê đã dần khẳng định sức hút, góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi phải cùng nhìn nhận những thành tựu, đánh giá những thách thức và đề ra các giải pháp mang tính đột phá cho năm 2025. |