Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật: Hai năm chỉ phạt 76 cơ sở với 3,7 tỷ đồng
Quảng cáo sai sự thật tràn lan
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022, ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã được Bộ Y tế, các Bộ, ngành tăng cường kiểm soát, tuy nhiên vi phạm lĩnh vực này vẫn diễn ra phức tạp và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
"Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng lên rõ rệt, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về quy định quảng cáo thực phẩm chức năng, tạo sự hiểu lầm của người dân khi sử dụng các sản phẩm này. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm này nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể. Theo đó, hội nghị nhằm triển khai các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay.
Hội nghị trực tuyến có sự tham dự của các cơ quan Bộ, ban, ngành và các địa phương |
Đánh giá về thực trạng công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2020 - 2021, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho - biết, hiện nay, những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe chủ yếu như: Quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…
Về kết quả xử lý, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội cũng như nhận được thông tin từ phóng viên, người tiêu dùng qua email của Cục An toàn thực phẩm phản ánh về các sản phẩm vi phạm quy định về quảng cáo với 197 trường hợp, năm 2020 - 2021, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng.
“Thực tế, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Với các trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các báo đăng tin” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong thông tin.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu tại hội nghị |
Cũng theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, năm 2020 - 2021, website Cục An toàn thực phẩm (vfa.gov.vn) đã đăng 246 bài cảnh báo. Chuyển Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông các website, đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể 375 đường link; trong đó, có 67 đường link facebook…
Tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý
Các đại biểu cho rằng, mặc dù hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Hành lang pháp lý về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được quy định cụ thể, có tính răn đe cao. Ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân về cơ bản đã được nâng cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn rất phổ biến, quảng cáo tràn lan trên zalo, facebook, youtube, các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, một số cơ quan phát hành quảng cáo như báo, đài địa phương chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, Bộ Y tế cho rằng, giải pháp cấp bách hiện nay là các Bộ, ngành, cơ quan quản lý theo chức năng nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quản lý quảng cáo hàng hóa dịch vụ nói chung, đặc biệt quản lý hàng hóa thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng. Chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo thuộc sự quản lý của bộ ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tiên đại chúng theo quy định của pháp luật.
Trong đó, Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu |
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho hay, thực hiện chức năng và nhiệm vụ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, thời gian qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ trì và phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục An toàn thực phẩm triển khai nhiều vụ việc như yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm trên các sàn và website thương mại điện tử lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục đã có văn bản sớm yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid như kit test, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.
Cục đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để rà soát các website, ứng dụng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ các trên 200 gian hàng và trên 500 sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, Cục cũng hỗ trợ nhiều đơn vị xử lý phản ánh về hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ liên quan lĩnh vực thực phẩm như: sản phẩm Obagi, Doppelherz, Herballife,…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan trong thời gian tới, cụ thể như: Tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, cơ quan Công an, Cục An toàn thực phẩm,... về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm...
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử như đào tạo cho các cán bộ làm công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý Nhà nước để hiểu và xử lý vi phạm. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.