Phát triển xanh hướng đến Net Zero carbon: Bài 2 - Các ngành sản xuất “chuyển mình” theo hướng xanh
Từ câu chuyện của doanh nghiệp dẫn đầu
Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc đi theo con đường này của doanh nghiệp là tất yếu.
Điển hình như trong ngành sữa, năm 2023, Vinamilk là doanh nghiệp sản xuất sữa đầu tiên của Việt Nam nhận chứng chỉ trung hòa carbon. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đạt được mục tiêu lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình sản xuất cũng tương đương với lượng CO2 hấp thụ ngược lại.
Để làm được điều này, công ty đã áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất. Dẫn ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và phát triển (R&D) - Ban Chỉ đạo dự án Net Zero của Vinamilk cho biết, tại trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh, mỗi ngày bò thải ra 30 tấn phân. Chất thải sau đó được thu gom bằng hệ thống hiện đại, đưa vào xử lý với công nghệ ủ Biogas. "Đầu ra" của quy trình này là phân bón, nước, khí đốt sẽ trở thành "đầu vào" của một vòng tuần hoàn mới, khép kín. Nhờ vậy mà mỗi năm trang trại có thể tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng chi phí điện năng, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2.
Tại một khâu khác của chuỗi giá trị là sản xuất, siêu nhà máy sữa Việt Nam của Vinamilk với công suất 800 triệu lít sữa/năm cũng giảm phát thải tới 10.000 tấn CO2/năm. Hệ thống thu hồi và tái sử dụng nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt, giảm bớt năng lượng đầu vào, chi phí vận hành cũng như những tác động tiêu cực tới môi trường. Hay việc ứng dụng robot LGV tự hành tiết giảm tới 62% lượng khí thải CO2 so với xe nâng truyền thống do tiết kiệm năng lượng và có thể tính toán con đường ngắn nhất để di chuyển.
Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc điều hành Khối Sản xuất, Trưởng dự án Net Zero, Vinamilk - cho biết: Vinamilk bắt đầu tìm kiếm các giải pháp để tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời các phương tiện vận tải chuyển trong khâu kinh doanh, phân phối chúng tôi cũng chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng điện.
Ngoài việc "tái tạo tài nguyên" từ chính chất thải, thì từ năm 2019 doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi sử dụng năng lượng mặt trời tại các trang trại chăn nuôi bò sữa. Không chỉ có thêm nguồn điện, mà còn giúp làm mát chuồng trại. Tính ra, năng lượng mặt trời đã giúp cho 13 trang trại của doanh nghiệp giảm phát thải được 62.341 tấn CO2/năm, tương đương với việc trồng 3,4 triệu cây xanh.
Việc nhận định và đánh giá khá sớm sự quan trọng của "hộ chiếu xanh” và yếu tố phát triển bền vững ở những thị trường cao cấp giúp Vinamilk đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn. Điển hình như tại thị trường châu Úc đã tăng trưởng doanh số hơn 10% mỗi năm, sản phẩm được Vinamilk sản xuất hiện tại đang được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn Costco, Woolworths, Coles, Aldi, Foodstuff… và liên tục có các dự án về phát triển sản phẩm mới, tăng cường cho thị trường này.
Các ngành sản xuất đang dịch chuyển theo xu hướng xanh |
… đến những biến chuyển trong các ngành sản xuất
Thực tế cho thấy, bên cạnh giúp sản phẩm vượt qua những “hàng rào xanh” để nhập khẩu vào thị trường, cũng cần hiểu “xanh”, “bền vững” là các tiêu chí quan trọng được người tiêu dùng ngày càng quan tâm khi quyết định chọn mua.
Hiểu được tầm quan trọng đó, ngoài Vinamilk thì doanh nghiệp ở các ngành sản xuất khác như dệt may, da giày hay thực phẩm… cũng đang đều đi theo xu thế này.
Trong đó, ở lĩnh vực dệt may theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các ngành này đang đẩy mạnh đầu tư cho “xanh hóa” theo yêu cầu của thị trường và trong tầm nhìn đến 2050, “số hoá” và “xanh hoá” là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Ông Giang cũng cho biết hiện hầu hết các doanh nghiệp may, sợi, dệt nhuộm đạt được các chuẩn mực trong Luật môi trường của Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng quốc tế.
Một vài tên tuổi đi đầu phải kể tới như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK), Công ty Dệt may Trung Quy, Công ty CP sản xuất hàng thể thao Tân Đệ…
Trong đó, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã đầu tư phòng Lab để nghiên cứu về nguyên liệu xanh và ứng dụng nghiên cứu vào các sản phẩm thời trang xanh. Không những vậy, công ty này còn thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh để phát triển 3 dòng sản phẩm chính gồm: sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, cà phê, quần áo cũ…), sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống. “Xanh hóa ngành dệt may là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới. Điều này giúp ngành dệt may có nhiều lợi thế hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”- ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT của TCM chia sẻ.
Cùng với đó, giảm phát thải ngay từ khâu đầu vào là hành động mà nhiều doanh nghiệp đang hướng đến. Điển hình như tại Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK), từ năm 2016, để đón đầu làn sóng tiêu dùng xanh, STK đã sớm dự báo nhu cầu sợi tái chế sẽ bùng nổ trong tương lai, khi mà hàng trăm thương hiệu thời trang, giày dép như Nike, Adidas, Puma, H&M, Hugo Boss… cùng cam kết tăng thị phần polyster tái chế lên 45% vào năm 2025. Sợi Thế Kỷ đã quyết định đưa loại sợi này thành sản phẩm trọng tâm, động lực tăng trưởng cho Công ty trong trung và dài hạn. Song song đó, Công ty liên tục triển khai hàng loạt sáng kiến bảo vệ môi trường như tái sử dụng ống giấy, tái chế sợi phế thành hạt nhựa để tái sử dụng, tái sử dụng nước thải của hệ thống điều không, sử dụng điện mặt trời.
Nắm bắt cơ hội phát triển và gắn kết với xu hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp ngày càng tăng dần tỷ trọng cơ cấu sợi thân thiện với môi trường như sợi Recycle. Năm 2022 tỷ trọng sợi recycle trong tổng doanh thu đã đạt hơn 52% và hướng tới mục tiêu 100% năm 2025 trên 2 nhà máy hiện hữu. Đến 2022, Sợi Thế Kỷ đã gián tiếp tái chế 4,1 tỷ chai nhựa rác thải thảnh sợi recycle, góp phần giảm rác thải chai nhựa và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó STK cũng đã phát triển sợi màu sử dụng công nghệ dope dyed, tạo ra giải pháp thay thế công đoạn nhuộm truyền thống, giúp các khách hàng giảm lượng nước sạch tiêu thụ tới 89%, đồng thời giảm tương ứng mức xả nước thải và hóa chất ra môi trường, góp phần đạt được các cam kết của họ trong chiến dịch ZDHC. Dự kiến tỷ trọng sản phẩm sợi màu sẽ tăng trong các năm tới.
Lãnh đạo ngành Công Thương tỉnh Bình Dương trao đổi về công nghệ trung hòa carbon với lãnh đạo 2 Tập đoàn Gia Định và SEP Cooperative |
Đối với ngành da giày, vào giữa tháng 4 vừa qua chương trình hợp tác quốc tế để phát triển cụm công nghiệp trung hòa carbon giữa Tập đoàn Gia Định và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã được chính thức khởi động. Theo đó, hơn 200 triệu USD (tương đương 4.700 tỷ đồng) đã được các doanh nghiệp cam kết để xây dựng vào cụm công nghiệp này. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gia Định chia sẻ rằng, việc ký kết hợp tác với SEP nằm trong chiến lược phát triển xanh của tập đoàn bởi doanh nghiệp đã và đang hết sức nỗ lực để có thể nâng cấp, phát triển ngành giày da theo xu hướng xanh. “Lợi ích trước mắt có thể nhận ra là nếu đầu tư vào những cụm công nghiệp trung hòa carbon, các doanh nghiệp nhỏ, vừa sẽ có điều kiện được cấp giấy chứng nhận trung hòa carbon đạt chuẩn để được giảm thuế đến 25% khi xuất khẩu vào các nước theo quy định”- ông Trung cho biết.
Trong lĩnh vực thực phẩm, PAN Group là một điển hình. Ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Nghiên cứu Phát triển và Phát triển bền vững, Tập đoàn PAN Group cho biết, động lực để Tập đoàn nông nghiệp này thay đổi, trước tiên đến từ chính yêu cầu của pháp luật. Hiện môi trường sản xuất kinh doanh ngày càng yêu cầu nghiêm ngặt hơn về các vấn đề môi trường cũng như quản lý tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ Việt Nam cũng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, áp lực thay đổi còn đến từ khách hàng quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Hiện nay họ đã đưa các yêu cầu như kiểm soát đánh bắt và khuyến khích các nhà cung cấp công bố dấu chân carbon trên bao bì sản phẩm. Ví dụ điển hình như chuỗi siêu thị Tesco của Anh đã cam kết sẽ công bố dấu vết carbon trên tất cả các sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nhập khẩu. Điều này tạo ra áp lực nhưng cũng là động lực rất lớn với các doanh nghiệp, công ty thành viên của chúng tôi, thực hiện kiểm kê carbon và đưa ra giải pháp giảm carbon trên mỗi sản phẩm của mình.
Theo ông Trung Anh, hiện công ty thành viên chuyên sản xuất và xuất khẩu tôm của PAN Group đã tận dụng phụ phẩm là đầu và vỏ tôm để chế biến thành thức ăn chăn nuôi, thay vì phải mất thêm chi phí để xử lý như một loại chất thải như trước kia. Theo đó, 7.500 tấn đầu và vỏ tôm đã được xử lý, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3-5 lần. Nếu có thể chế biến thành thực phẩm, giá trị còn có thể tăng lên gấp 15 lần. Sáng kiến này cũng giúp doanh nghiệp thu thêm 15 tỷ đồng mỗi năm.
Tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, gần 80% tỉ lệ nước được tái sử dụng tại Masan High-Tech Materials. |
Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, đại diện của Tập đoàn Masan cho biết, doanh nghiệp liên tục có những phát kiến mới về sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn và tốt cho sức khỏe. Các tổ hợp chế biến thịt MEATDeli đều được công nhận đạt chứng chỉ BRC - Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm. Chứng chỉ có giá trị quốc tế trong ngành thực phẩm và được xem là tấm vé thông hành cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến hàng tiêu dùng của Masan Consumer đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại do đối tác Hà Lan thiết kế tại các nhà máy trên cả nước.
Một công ty thành viên khác trong tập đoàn là Masan High-Tech Materials cũng bắt đầu trồng cây trên vùng đất đá thải ra sau khi khai thác khoáng sản từ năm 2016. Đến nay, công ty đã phủ xanh được khoảng 58 ha khắp khu vực của dự án - một phần hấp thụ carbon để có thể theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian tới.
Theo đuổi sản xuất xanh hiện là đích đến của các doanh nghiệp trên toàn thế giới và tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đặc biệt hơn, hiện Việt Nam đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại thế hệ mới song để có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này thì tiêu chuẩn xanh là một trong những yếu tố bắt buộc. Do đó, trong bước đi chiến lược sắp tới, các doanh nghiệp chia sẻ rằng sẽ tiếp tục đầu tư vào sản xuất xanh, công nghệ xanh để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn, không chỉ riêng doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là không dễ, có những tiêu chí xanh rất khó thực hiện trong thời gian ngắn, cần phải đưa ra lộ trình cụ thể, hợp lý. |
Bài 3 - Các nhà bán lẻ nhập cuộc mạnh mẽ