Phát triển hạ tầng thương mại: Khơi thông nguồn lực
Trước những bất cập trong quy định về nguồn vốn xây dựng, quản lý chợ truyền thống, nhiều địa phương kiến nghị cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP (Nghị định 02) về phát triển quản lý chợ nhằm khơi thông nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại.
Theo bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố nhiều công trình chợ đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, cải tạo bởi vướng quy định không được sử dụng đầu tư công đối với chợ hạng 1 và hạng 2.
Cần sớm Sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP để phát triển chợ truyền thống hiệu quả |
Kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 02, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đề nghị trong Nghị định sẽ: "Cho phép đầu tư công chợ bất kỳ hạng nào (hạng 1,2,3)", bởi theo bà Phương, nếu không thể đầu tư công được thì các công trình chợ không thể xây dựng và hoạt động được. "Theo quy định hiện nay của Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất thì các tiểu thương không thể tiếp cận được với mặt bằng của chợ. Trong khi chợ truyền thống rất cần thiết phục vụ cho hoạt động dân sinh" - bà Phương nói.
Đồng ý với vấn đề này, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, hiện nay, việc kêu gọi đầu tư chợ truyền thống ở khu vực nông thôn rất khó khăn (kêu gọi đầu tư tư nhân). Vì vậy, cần có các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi để các tỉnh có điều kiện đầu tư xây dựng các chợ truyền thống mới hiệu quả.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng, Nghị định 02 hiện đã quá lạc hậu. Việc xây dựng chợ hiện nay phải theo Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản nhưng không phải chợ nào cũng đấu giá được, không phải chợ nào cũng xã hội hóa được.
Còn theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam - ông Đặng Bá Dự, hiện nay, chưa có quy định nào quy định về đầu tư công, quản lý – khai thác tư. Trong khi, theo các quy định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì những đơn vị quản lý chợ không phải đơn vị sự nghiệp. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đặt ra câu hỏi: Vậy đơn vị nào sẽ quản lý chợ?
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước(Bộ Công Thương) - cho biết, Vụ đã nhận được nhiều kiến nghị lên quan đến vấn đề đầu tư công chợ và những bất cập liên quan đến Nghị định 02 và Nghị định 114/2009/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 02).
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Nghị định 02 và Nghị định 114 đã tụt hậu so với luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Vì vậy, Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu Bộ Công Thương hướng đến sửa các Nghị định 02, 114 với nội dung liên quan đến quy trình chuyển đổi mô hình chợ; quy định về quản lý sử dụng khai thác kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư; xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ, quản lý sử dụng, khai thác hạ tầng chợ…. Hiện việc sửa đổi đang ở giai đoạn lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Sau đó, Vụ Thị trường trong nước sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh để trình các cấp có thẩm quyền ban hành sớm Nghị định 02, dự kiến vào tháng 12/2022.
Vụ Thị trường trong nước đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công Thương tổ chức các hội thảo, hội nghị để nghe ý kiến các tỉnh, thành phố, vùng, miền. Những vấn đề liên quan đến đầu tư và sử dụng tài sản công - thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch & Đầu tư; vấn đề về phí và lệ phí, đấu giá, đấu thầu thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, thì Vụ Thị trường trong nước đã đề nghị các thành viên trong ban soạn thảo thuộc 2 Bộ lưu ý cho ý kiến cụ thể về vấn đề này.