Những hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào Mông ở Thanh Hóa dần được xóa bỏ
Thanh Hóa là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có đồng bào dân tộc Mông với nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông vẫn còn tồn tại không ít những hủ tục lạc hậu, đã cản trở sự phát triển. Nhờ sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận cao của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông đang dần được xóa bỏ.
Phong tục cổ hủ từ xa xưa
Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hoá, toàn tỉnh có khoảng 2.361 hộ/14.917 người Mông sinh sống ở 46 bản làng, thuộc 6 xã của 3 huyện Quan Hoá, Quan Sơn và Mường Lát. Đồng bào chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, ngô, khoai, sắn, đậu tương,… trên nương rẫy. Người Mông đi đến đâu, họ mang theo những giá trị văn hóa của dân tộc mình đến đó. Ngoài những phong tục, tập quán tốt đẹp, họ cũng có không ít những hủ tục, lạc hậu như: Người chết phải bắn súng để thông báo, không được đưa vào trong quan tài mà để trong nhà chấm cơm từ 3 đến 7 ngày, không có nghĩa địa để chôn người chết tập trung…
Người mất đã được được đồng bào Mông đưa vào quan tài, chôn cất tại nghĩa trang tập trung. |
Người Mông quan niệm gia đình khi có người thân chết, nhà đó có bao nhiêu anh em trai thì phải làm bấy nhiêu trâu bò để tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Nếu làm sai một khâu, một bước trong thủ tục tang ma thì người chết sẽ quay ngược trở lại với người sống, làm họ ốm đau bệnh tật, thậm chí là cả gia đình, dòng họ sẽ chết theo. Những suy nghĩ lạc hậu này đã ăn sâu vào lối sống của đồng bào Mông.
Trong đời sống người Mông vẫn diễn ra tình trạng tảo hôn. Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, từ năm 2017-2019, có 23 cặp người Mông tảo hôn (chiếm tỷ lệ 30,3%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là do quan niệm, kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản trong gia đình, không mang của cải sang họ khác; tâm lý muốn sớm có “con đàn cháu đống”, có người nối dõi; có thêm lao động trong gia đình... Tình trạng tảo hôn cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đồng bào Mông, nhất là trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, vào những năm 1989, đồng bào dân tộc Mông (chủ yếu là ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) di cư đến huyện Quan Sơn, hình thành nên 3 bản người Mông là Mùa Xuân, Xía Nọi và Ché Lầu. Xuất phát điểm của các bản người Mông rất thấp, lại sinh sống ở địa bàn hiểm trở, đường giao thông đi lại khó khăn, quan niệm, tập tục, tập quán lạc hậu lâu đời đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống, nên để xóa bỏ được cần cả một quá trình chứ không phải cứ giơ tay biểu quyết là xong.
Chính vì đó mà đã khiến cho đời sống đồng bào Mông ngày càng gặp nhiều khó khăn, tình trạng nghèo, đói diễn là khó tránh khỏi, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, buộc phải thay đổi để hòa nhập.
Nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ
Xuất phát từ tình hình thực tế, năm 2013 UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt Đề án 2181 “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Ban đầu, quá trình triển khai đề án đã gặp không ít khó khăn, cản trở từ phía đồng bào Mông do chưa thay đổi ngay được suy nghĩ, cách làm. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì thực hiện nhiều phương án, cách làm khác nhau để dần từng bước làm thay đổi những hủ tục lạc hậu.
Tại huyện biên giới Mường Lát, từ khi thực hiện Đề án 2181 và các chính sách cho đồng bào, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành chức năng, Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt thôn, bản, hệ thống loa truyền thanh để đưa thông tin đến được từng người dân nhằm xóa bỏ những thủ tục lạc hậu, thay đổi nhận thức để ngăn chặn tình trạng tảo hôn.
Nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều gia đình người Mông đã thoát nghèo và dần làm giàu. |
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, từ khi thực hiện Đề án từ năm 2013 đến năm 2020, đã tổ chức được 12 hội nghị tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, bảo vệ môi trường và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho hơn 900 cán bộ và người dân vùng đồng bào Mông tham gia; tuyên truyền 162 cuộc với 6.324 lượt người được tuyên truyền… Đồng thời, hướng dẫn cho UBND các xã có đồng bào Mông sinh sống, tổ chức đưa vào hương ước của bản, làng những nội dung thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Đề án đã hỗ trợ thực hiện hoàn thành quy hoạch và xây dựng được 7 tuyến đường giao thông đi từ bản ra nghĩa địa cho 7 bản Mông tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Tổ chức được 2 lớp học về bảo tồn văn hóa truyền thống do các nghệ nhân là người Mông truyền dạy cho 42 lượt học viên. Hỗ trợ mô hình thí điểm tổ chức 1 đám tang điểm đầu tiên tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát tổ chức quay băng ghi hình việc tổ chức tang lễ theo nếp sống mới để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Thực hiện hỗ trợ kinh phí cho hơn 200 đám tang thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.
Với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể; sự đồng thuận của đồng bào dân tộc người Mông sống trên địa bàn, đến nay đồng bào Mông không còn bắn súng để thông báo có người chết. Người chết được đưa vào quan tài, không để trong nhà dài ngày và được chôn cất ở nghĩa địa tập trung. Các nghi lễ được rút ngắn và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm, giảm chi phí trong tang lễ.
Có thể nói, đến nay nhận thức của đồng bào dân tộc người Mông ở Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ để đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp đời sống kinh tế, văn hóa xã hội đồng bào dân tộc Mông ngày càng được nâng cao.