Thứ sáu 29/11/2024 14:57

Ngành dệt may được kỳ vọng hồi phục từ nửa cuối năm 2024

Ngành dệt may dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Các chuyên gia kỳ vọng, ngành này sẽ hồi phục từ nửa cuối năm 2024.

Kỳ vọng hồi phục từ nửa cuối năm 2024

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 40 tỷ USD, thấp hơn gần 10% so với năm 2022.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), nguyên nhân ngành dệt may có sự sụt giảm do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU bị lạm phát, kéo theo sức mua yếu dẫn đến đối tác cắt giảm đơn hàng từ nửa cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh lớn với các đối thủ khác trên trường quốc tế, trong đó có Bangladesh. Chi phí sản xuất tại Bangladesh thấp hơn đáng kể đã tác động không nhỏ đến sự sụt giảm của ngành dệt may Việt Nam trong năm qua.

DSC nhận định rằng, hàng may mặc là sản phẩm không thiết yếu, chỉ khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu về các sản phẩm dệt may mới có thể tăng trưởng mạnh trở lại.

Ngành diệt may được kỳ vọng sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2024. (Ảnh: Vitas)

Đồng quan điểm trên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa thật sự khởi sắc.

SSI cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan sẽ dẫn đến người tiêu dùng giảm chi tiêu và việc bổ sung lại các khoản tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua sắm các sản phẩm dệt may.

Hiện nhiều thương hiệu thời trang và nhà cung cấp trên thế giới cũng đang gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng thấp, hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, biện pháp phòng thủ, số lượng hàng nhập vẫn còn thấp, dẫn đến việc tăng trưởng đơn hàng chậm của các nhà cung cấp.

Các chuyên gia nhận định rằng, với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã dừng tăng lãi suất, sức mua của người tiêu dùng sẽ hồi phục, trong đó có nhu cầu về thời trang, may mặc.

Với việc nằm ở vị trí thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may tại Việt Nam, mảng sợi sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi ngành dệt may suy thoái và cũng là mảng được kỳ vọng sẽ phát tín hiệu phục hồi sớm nhất.

Mảng sợi sẽ hồi phục mạnh hơn vào cuối quý 1/2024 khi nhu cầu tiêu thụ sợi sẽ gia tăng để bù đắp cho lượng hàng tồn kho đã suy giảm sau mùa mua sắm vào cuối năm 2023.

Số lượng đơn và giá bán sản phẩm dệt may xuất khẩu của các công ty dệt may Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp trong quý 1/2024. Từ nửa cuối năm 2024, ngành dệt may mới có sự hồi phục mạnh mẽ.

Ưu tiên phát triển bền vững

Liên quan đến công tác phát triển ngành dệt may trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Theo ông Giang, các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.

Phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp quan tâm hơn trong thời gian tới. (Ảnh: Vitas)

Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngành dệt may cần trú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện… Chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro... cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Để vượt qua những khó khăn và nhanh chóng hồi phục, phát triển, các doanh nghiệp dệt may cũng cần giải quyết các vấn đề như: Cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ liên quan ngành; đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung…

Các chuyên gia kỳ vọng rằng, với sự nỗ lực của toàn ngành, trong năm 2024, ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023) như đã đề ra.

Thế Hoàng
Bài viết cùng chủ đề: Người tiêu dùng

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo: Lo ngại gặp khó tại thị trường trọng điểm

Ngày 1-2/12, sẽ diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?