I. Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị, Mặt trận Tổ quốc đã phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - thúc đẩy đưa hàng Việt phục vụ chính người tiêu dùng trong nước và sâu xa hơn, khơi gợi ý thức đối với giới doanh nhân Việt.
10 năm qua, không thể phủ nhận những sức bật tích cực, nhưng rõ ràng, không phải ai cũng hiểu được chữ "ưu tiên" của Cuộc vận động. Đâu đó, có nhiều doanh nghiệp đã làm sai lệch, lợi dụng sự "ưu tiên" để đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, khiến người tiêu dùng thất vọng.
Chinh phục khách hàng là mục tiêu gần gũi nhất, quyết liệt nhất và cũng là đảm bảo vững chắc nhất cho sự phát triển ngành nghề của mình và từ đó mới vươn lên tầm cao mới. Không gì tốt hơn là mang lại những sản phẩm có chất lượng cao nhất cho chính đồng bào của mình và cũng chính đồng bào mình sẽ tạo bệ phóng để sản phẩm của các doanh nghiệp vươn xa.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bấm nút phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" (tháng 11/2018) |
II. Nhiều năm trước, khi xảy ra sự bất công của hàng rào thuế quan Hoa Kỳ đối với cá ba sa của Việt Nam. Cá da trơn nói chung và ba sa nói riêng của Việt Nam luôn luôn được quảng cáo là ngon, giá rẻ. Nhưng khi đó, chính tôi cũng chưa bao giờ được ăn cá ba sa. Câu chuyện hơi hài hước là bước vào một quán ăn gọi cá ba sa thì lại nhận được một đĩa cá sa ba (loại cá biển của người Nhật Bản) - chứng tỏ là ngay thị trường trong nước không hề biết đến một sản phẩm ngon, rẻ như thế. Vậy tại sao không chinh phục thị trường hàng trăm triệu dân, tại sao bữa cơm của mọi gia đình không có món ngon đó, mà lại cứ mải ra nước ngoài? Từ đó, đã đến lúc phải hướng đến một tâm thế mạnh mẽ hơn - đó là hàng Việt Nam hãy chinh phục trước hết là người Việt Nam. Phục vụ chính đồng bào của mình, làm giàu cho chính thị trường mình.
Tôi rất vui là ý tưởng riêng tư đó, có trao đổi nơi này nơi kia, đến một thời điểm đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc tới khi Thủ tướng tiếp xúc với các doanh nhân Việt Nam. Rồi mới đây, Thủ tướng chính thức phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" tại lễ giới thiệu những sản phẩm đỉnh cao của VinGroup. Tôi cho đây là sự chín muồi trong nhận thức chung, từ nguyên thủ cho tới các tầng lớp xã hội và nếu chúng ta đồng thuận làm tốt việc này, chắc chắn sẽ tạo được hướng đi tích cực, đem đến động lực không hề nhỏ cho các doanh nghiệp.
III. Ngược dòng lịch sử, đã có những thời đoạn nào mà các nhà công thương xưa đã lấy sản phẩm của mình chinh phục được người Việt Nam?
Câu chuyện của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng là ví dụ điển hình. Ông thấy Hải Phòng là một cảng biển sẽ tiêu thụ rất nhiều loại sơn để chống sự ăn mòn của nước biển. Trong khi người ta phải dùng rất nhiều loại sơn của ngoại quốc thì ông chế tạo ra một loại sơn đặt tên là "Resistanco" - bao hàm ý nghĩa chống lại, kháng lại sự hủy diệt của thiên nhiên, nhưng cũng là kháng lại cuộc cạnh tranh thị trường với những doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp Pháp. Chính loại sơn đó đã nâng doanh nghiệp của ông không chỉ thành đạt trong sản xuất mà còn trở thành biểu tượng cho sức sáng tạo cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi đó.
IV. "Vậy, để phong trào "chinh phục" này không rơi vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột" và phát triển bền vững thì cần làm gì?".
Có một điều đáng mừng, nhiều chính sách của chính phủ đã và đang bảo vệ, tôn trọng vai trò của doanh nghiệp Việt.
Chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ người dân đã tạo ra một môi trường thuận lợi. Nhưng môi trường ấy cũng phải có sự khắc nghiệt cần thiết. Chúng ta phải làm thế nào cho hành lang thật rộng để mọi người cùng tiến lên, song chế tài phải thật mạnh để hạn chế những sự biển lận.
Cả xã hội phải cùng lên án sự dối trá của hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng dùng quảng cáo để lấp đầy lỗ hổng trên cái mác "chất lượng". Ở các nước, theo tôi biết, chỉ cần một sản phẩm bị phát hiện là hàng nhái, hàng giả sẽ đánh sập cả sự nghiệp của doanh nghiệp; chứ không phải chỉ xử phạt hành chính cho xong. Bởi, việc giả dối với người tiêu dùng, trong một chừng mực nào đó, chính là phản bội đất nước mình.
Không thể "đi tắt đón đầu" với lối phát triển phi minh bạch.