Mục tiêu tăng trưởng GDP qua lăng kính chuyên gia quốc tế
Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Với lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung và chi phí lao động cạnh tranh, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình.
Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7% và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%.
Mục tiêu tăng trưởng GDP qua lăng kính chuyên gia quốc tế (Ảnh: Tapchitaichinh.vn) |
Đây là một mức tăng trưởng khá ấn tượng, vượt qua cả kế hoạch đề ra trước đó và gần với mục tiêu trên 7% mà Chính phủ phấn đấu cho năm nay, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển. Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao cũng đồng nghĩa với những thách thức không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung vào các giải pháp như hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát và đảm bảo cân bằng các yếu tố lớn của nền kinh tế. Đồng thời, các chính sách tài khóa và tiền tệ cần được điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với tình hình thực tế.
Trên thực tế, nhờ kết quả kinh tế khả quan trong quý III/2024, triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 đang được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,1% cho năm 2024 và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng lên 6,5% vào năm 2025. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam sẽ vượt mặt nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực ASEAN, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam vào tháng 10, Ngân hàng Standard Chartered cũng đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8% cho năm 2024 và 6,7% cho năm 2025 so với mức tăng trưởng dự kiến 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia của ngân hàng này, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành kinh tế chủ chốt như xuất nhập khẩu, bán lẻ, du lịch và xây dựng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra những nhận định lạc quan về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025. Thậm chí, vị chuyên gia cho rằng mục tiêu mà Quốc hội đề ra là khá thận trọng và hoàn toàn có thể vượt qua được. Theo ông Thịnh, nếu không có những biến động bất ngờ từ các yếu tố bên ngoài như thiên tai, chiến tranh, hay những thay đổi đột ngột về lãi suất, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đạt mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, vị chuyên gia này đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2025. Trong kịch bản thận trọng, GDP của Việt Nam có thể đạt từ 6,8-7,3% với lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Còn trong kịch bản tích cực hơn, GDP có thể đạt mức từ 7,3-7,8%. Để hiện thực hóa các kịch bản này, ông Thịnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện hạ tầng.
Ông Thịnh cũng lưu ý rằng các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Những thay đổi về lãi suất của Fed có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, tỷ giá hối đoái và do đó tác động đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, thậm chí còn đưa ra dự báo cao hơn so với Ngân hàng Standard Chartered khi cho rằng GDP Việt Nam năm 2025 có thể đạt mức 7%. Ông Nam tin tưởng rằng những chính sách mới của Chính phủ và sự quyết tâm cao sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Theo quan điểm của tôi, các định chế quốc tế bao giờ cũng có sự thận trọng. Những năm vừa qua, các tổ chức quốc tế đưa ra nhìn nhận về GDP nhưng Việt Nam luôn luôn đạt cao hơn mức đó. Với những chính sách thay đổi rất mới và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, tôi tin tưởng rằng tăng trưởng GDP phải đạt 6,7% hoặc hơn. Con số tôi nghĩ đến phải là 7% trong năm 2025”, ông Nam cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro mà Việt Nam cần đối mặt. Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2025 có thể biến động mạnh mẽ, đặc biệt là với những thay đổi trong chính sách thương mại quốc tế và các bất ổn địa chính trị.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Theo IMF, xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam - có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu tăng trưởng toàn cầu chậm lại, căng thẳng địa chính trị gia tăng hoặc các tranh chấp thương mại tiếp diễn. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài có thể làm gia tăng lạm phát trong nước, trong khi những vấn đề tồn tại ở thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể hạn chế khả năng cho vay của các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Để đối phó với những rủi ro này, IMF khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cải cách sâu rộng nhằm nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế. Cụ thể, IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định tài chính vĩ mô, khắc phục các điểm yếu trong nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, với dư địa tài khóa còn nhiều hơn so với chính sách tiền tệ, IMF cho rằng chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế khi cần thiết.