Long An: Nét tương đồng ‘lạ’ của hai chủ đầu tư đường Lương Hòa - Bình Chánh
Giống nhau từng chi tiết
Đường Lương Hòa - Bình Chánh được biết đến là một phần của tuyến Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, một trong 6 tuyến đường quan trọng của tỉnh Long An trong định hướng phát triển đến năm 2030. Đoạn thành phần qua tỉnh Long An từ sông Vàm Cỏ Đông đến TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 6,2 km.
Đoạn quan trọng nhất trong tuyến đường này dài 4,5 km, lộ giới 60m từ đường tỉnh 830 đến ranh giới huyện Bình Chánh do 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Prodezi Long An và Công ty Cổ phần Tandoland làm chủ đầu tư, tổng vốn 1.250 tỷ đồng.
Khu dân cư Lương Hoà và Khu dân cư Mai Bá Hương cũng nằm kề cạnh nhau dọc đường Lương Hòa - Bình Chánh (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Vào ngày 27/4, Công ty Cổ phần Prodezi Long An và Công ty Cổ phần Tandoland đã tổ chức lễ khởi công dự án đường Lương Hòa - Bình Chánh.
Theo hồ sơ thu thập được, ngày 18/8/2023 Công ty Cổ phần Prodezi Long An có Văn bản số 29/CV.PRO-2023 gửi chính quyền tỉnh Long An về cam kết đóng góp 100% vốn doanh nghiệp để đầu tư xây dựng đường Lương Hoà – Bình Chánh. Ngày 21/8/2023, Công ty cổ Phần Tandoland cũng có Văn bản tương tự số 17.08/CV.PRO-2023 cam kết đầu tư đường với 100% vốn doanh nghiệp.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, dọc đường Lương Hòa - Bình Chánh, nhiều dự án khu đô thị và khu công nghiệp được triển khai như dự án như: Khu dân cư Lương Hoà (tên thương mại LA Home Long An), Khu dân cư Mai Bá Hương; Khu công nghiệp Prodezi, Khu công nghiệp Tandoland... Tổng quy mô quần thể khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ này lên đến gần 1.000 ha.
Trong đó, Khu dân cư Mai Bá Hương (diện tích 148 ha) và Khu công nghiệp Tandoland (diện tích 250 ha) đều do Công ty Cổ phần Tandoland làm chủ đầu tư.
Đối với Công ty Cổ phần Prodezi Long An, họ là chủ đầu tư của Khu dân cư Lương Hoà (diện tích 101 ha) và Khu công nghiệp Prodezi (diện tích 400 ha).
Bảng thông tin về dự án Khu dân cư Lương Hoà (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Những khu dân cư và khu công nghiệp này đều nằm trên địa bàn huyện Bến Lức, Long An.
Tháng 4/2022, Khu công nghiệp Tandoland được chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tandoland thực hiện tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa, huyện Bến Lức. Vốn đầu tư dự án là 3.144 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất.
Cũng trong tháng 4/2022, Khu công nghiệp Prodezi được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Prodezi Long An được thực hiện tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa, huyện Bến Lức. Vốn đầu tư của dự án là 4.604 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 800 tỷ đồng, vốn huy động 3.804 tỷ đồng.
Khi thành lập, cả hai Công ty Cổ phần Prodezi Long An (lập tháng 4/2016) và Công ty Cổ phần Tandoland (lập tháng 3/2017) đều do ông Trương Đình Vĩnh (SN 1971) là giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Các Khu dân cư Lương Hoà và Khu dân cư Mai Bá Hương cũng nằm kề cạnh nhau trên địa bàn xã Lương Hoà, đều được chấp thuận chủ trương năm 2018 và trải qua nhiều lần điều chỉnh, giãn tiến độ do chưa thể đưa vào hoạt động.
Đặc biệt, theo hồ sơ phóng viên có, về giấy tờ pháp lý, 2 dự án này đều được phê duyệt gần như cùng lúc. Có chăng, điểm khác biệt là phần diện tích của 2 dự án này.
Bên cạnh đó, 2 dự án khu dân cư này, đến nay vẫn chưa hoàn thành các hạng mục như bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân đã gửi đơn đến cơ quan chức năng về việc không đồng tình với phương án bồi thường mà các chủ đầu tư đưa ra.
Dấu vết thế lực “khủng” mang tên Tân Đô CIC
Dù Công ty Cổ phần Prodezi Long An (lập tháng 4/2016) nhưng sau 2 năm, doanh nghiệp non trẻ này lại được chấp thuận đầu tư dự án 101ha. Hơn cả “đàn anh” Công ty Cổ phần Prodezi Long An, Công ty Cổ phần Tandoland (lập tháng 3/2017) chỉ hơn một năm sau đã là chủ đầu tư dự án 148 ha.
So với nhiều chủ đầu tư tỉnh vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Prodezi Long An và Công ty Cổ phần Tandoland có vẻ "hanh thông" hơn trong quá trình xin dự án đầu tư.
Đặc biệt, ở cả hai công ty nêu trên đều lấp ló bóng dáng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Đô (Tân Đô CIC). Dường như mô-típ của các chủ đầu tư này đều đi theo hướng xin làm các khu đô thị sau đó sẽ xin làm các khu công nghiệp kề cạnh.
Được biết, Tân Đô CIC thành lập từ tháng 5/2004, dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Tất Thắng - “đại gia” kín tiếng nơi cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa Tân Đô CIC phát triển trở thành “ông trùm” bất động sản khu công nghiệp tại địa phương.
Tại Long An, Tân Đô CIC được biết đến với những dự án đình đám như là Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tân Đô, có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, với tổng diện tích 303 ha, bao gồm Khu công nghiệp Tân Đô (209 ha) và Khu đô thị - dịch vụ Tân Đô (94 ha).
Sau Khu công nghiệp Tân Đô, vị thế của Tân Đô CIC còn được mở rộng bằng việc đầu tư vào các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Cụ thể, vào tháng 4/2016, Tân Đô CIC cùng loạt pháp nhân khác thành lập Công ty Cổ phần Prodezi Long An. Khi mới thành lập, doanh nghiệp này có quy mô vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, Tân Đô CIC góp 16% vốn điều lệ.
Tới tháng 3/2017, Tân Đô CIC cùng Công ty Cổ phần Bất động sản E Xim (Eximland) và ông Trương Đình Vĩnh tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Tandoland. Về Công ty Cổ phần Tandoland, đáng chú ý, công ty này tiếp tục báo lỗ trong năm 2023, nợ phải trả tăng mạnh hơn vào thời điểm cuối năm qua.
Khu dân cư Mai Bá Hương vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (Ảnh: Tấn Hiệp) |
Có thể thấy, sự quen thuộc trên địa bàn cũng như các mối quan hệ nhất định ở Long An của Tân Đô CIC đã góp phần hỗ trợ vào quá trình xin dự án của hai doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Prodezi Long An và Công ty Cổ phần Tandoland.