Thứ tư 20/11/2024 03:33

Làm thế nào để tăng tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô?

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp để tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Tỷ lệ nội địa hoá chưa cao

Số liệu của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

Để phát triển được ngành công nghiệp ô tô phải tăng tỉ lệ nội địa hoá Ảnh: Chí Cường

Trên thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất ô tô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương cũng cho biết, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Cụ thể, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Về phụ tùng, linh kiện, hiện Việt Nam mới chủ yếu là các phụ tùng với công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Những linh kiện quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái... vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.

Cục Công nghiệp cũng nhận định, hiện tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Chính vì thế, ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam được nhận định vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

3 giải pháp trọng tâm

Để tăng tỷ lệ nội hoá cho ngành ô tô, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong thời gian tới.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, thứ nhất cần tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược để tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Bảo vệ thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế và thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa: Điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí, tài chính theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa.

Thứ ba, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Chính phủ đối với công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình phát triển CNHT hàng năm.

Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta, năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Như vậy, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tiến tới xây dựng một mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm trên phạm vi toàn quốc và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô cũng cần những chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai.

Mới đây, Bộ Công Thương công bố Dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi các đơn vị, tổ chức, cá nhân và hoàn thiện Dự thảo, sau đó tiếp tục chỉnh sửa đến tháng 9/2024 sẽ báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng.

Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc…

Duy Anh
Bài viết cùng chủ đề: công nghiệp ô tô

Tin cùng chuyên mục

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường tại Brazil

Tăng liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới -Bài 1

AP Saigon Petro ra mắt máy thay nhớt tự động 3R dành cho xe máy

10 tháng năm 2024, nhà máy Z183 (Bộ Quốc phòng) đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng

Thanh Hóa: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho ngành thép

Lai Châu: Kiểm tra hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 3

Mỹ, Nga, Italy sẽ tham gia triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Quân khu 1 thực hành diễn tập bắn đạn thật nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu

Sở Công Thương Bình Định trao đổi kinh nghiệm với ngành công thương Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ

Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam tổng kết khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 2

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 1

Nhiều tập đoàn nước ngoài muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam

Cần giải pháp toàn diện để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hiện đại và bền vững

Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư

Doanh thu ngành vật liệu xây dựng chiếm khoảng 11% GDP quốc gia