![]() |
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại buổi làm việc |
Tại Lâm Đồng, CVĐ được triển khai khá đồng bộ, từ tuyên truyền, vận động đến công tác quản lý của chính quyền và hoạt động của các doanh nghiệp, gắn với Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ. Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ban chỉ đạo CVĐ các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt và bổ sung thực hiện nội dung mới theo Kết luận 107 của Ban Bí thư và các văn bản của Ban chỉ đạo Trung ương…
Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các hoạt động tuyên truyền, vận động, quản lý, hỗ trợ triển khai thực hiện, CVĐ đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của cán bộ và nhân dân. Đa số các thành phần trong xã hội không chỉ đồng tình hưởng ứng mà còn khẳng định CVĐ là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và ý chí tự lực, tự cường dân tộc.
Sau gần 7 năm triển khai CVĐ đã tạo ra hiệu quả kép thể hiện ở việc người tiêu dùng ngày càng yêu thích hàng Việt, doanh nghiệp trong nước có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đến nay, các ban ngành của tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức trên 20 hội chợ giới thiệu sản phẩm hàng hóa chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tổng doanh số thu được từ một hội chợ đạt khoảng 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ CVĐ, chương trình hàng Việt về nông thôn đã được Lâm Đồng tổ chức tại các huyện: Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà. Mỗi phiên chợ thường được tổ chức 3 ngày với trên 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Qua các phiên chợ bán hàng, chương trình đã thu hút trên 70.000 lượt người đến tham quan và mua sắm.
Đoàn công tác đã đánh giá cao những thành tích mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong thời gian qua. Lãnh đạo các vụ, cục của Ban chỉ đạo Trung ương cũng có những ý kiến thiết thực để Lâm Đồng tiếp tục phát huy những thành quả đạt được; điều chỉnh, khắc phục những tồn đọng. Theo đó, Lâm Đồng cần bổ sung thành lập các tổng kho hàng Việt bảo đảm chất lượng, dữ liệu, cung ứng kịp thời cho khu vực; bổ sung những chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu, chiến lược quảng bá…
![]() |
Điểm bán hàng cố định tại TP. Đà Lạt |
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa cả nước. Đánh giá cao sự vào cuộc kết hợp chặt chẽ, ăn ý, phổ biến sâu rộng của Ban chỉ đạo - doanh nghiệp - người tiêu dùng, Thứ trưởng cho rằng, song song với vận động người tiêu dùng, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thương mại, nâng cao tính cạnh tranh trong nước và hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu... “Tết Nguyên Đán sắp đến cũng là dịp để tỉnh kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn cùng chương trình bình ổn giá. Ban chỉ đạo CVĐ cần động viên, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đoàn công tác sẽ tiếp thu những kiến nghị của địa phương và báo cáo hội ý cùng Ban chỉ đạo Trung ương để công tác triển khai thực hiện CVĐ ngày càng đạt hiệu quả cao hơn” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
TIN LIÊN QUAN | |
![]() | Hàng Việt tại Thái Nguyên: Chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống phân phối |
![]() | Chương trình hàng Việt tại Tây Ninh: Cần cụ thể hóa từng nhóm đối tượng |