Kỳ II: Chính sách phát triển hồ tiêu quên vị thế nông hộ?
Hồ tiêu, một mặt hàng quan trọng được thị trường nông sản thế giới thường xuyên điểm mặt. Ở trong nước, với nhu cầu tiêu dùng tiêu toàn cầu tăng khoảng 2%/năm, ngành hồ tiêu đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi giá vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu. Chi phí sản xuất hồ tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017, trong khi giá bán hồ tiêu lại giảm trên 30%.
Thời đình điểm, 1 ha đất trồng tiêu tại Chư Sê có giá lên tới cả tỷ đồng, nhưng giờ đây không ai hỏi mua |
Trên thực tế, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển cây công nghiệp như một cách đảm bảo sinh kế cho người nông dân, đảm bảo đầu ra cho các ngành hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, tình trạng phát triển diện tích tiêu tự phát, thiếu kiểm soát của chính quyền địa phương dẫn ngành tiêu đứng trước nguy cơ đổ vỡ đang là một thực tế tại các tỉnh trồng tiêu ở Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2010 cả nước có 51,3 ngàn ha, đến hết 2017 theo số liệu của các tỉnh là 151,9 ngàn ha, tăng 196% so với năm 2010, vượt định hướng phát triển trên 100 ngàn ha. Diện tích hồ tiêu bắt đầu giảm từ năm 2018 xuống 149,8 ngàn ha và dự kiến năm 2019 giảm còn 140 ngàn ha.
Chính sách hỗ trợ nông dân thường có độ trễ nhất định, nhưng ngành hồ tiêu, đặc biệt là các nông hộ, đang cần những chính sách phù hợp thị trường, điều kiện và tập quán canh tác. Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang – nêu một thực tế, Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ trong đó quy định rõ về các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên, mới dừng lại ở mức theo Tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng HTX Nam Yang làm chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, EU đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường này thì không được hỗ trợ.
Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê trao đổi với phóng viên Báo Công Thương |
Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, hầu hết các chính sách này vẫn nằm trên giấy. Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn không đi vào cuộc sống và được thay thế bằng Nghị định 57/2018/NĐ-CP, nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, việc khó nhất là nâng cao nhận thức và kỹ năng của người nông dân vẫn chưa được giải quyết. Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” hiệu quả mang lại không cao. “Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê vận động mấy năm mới được 4 lớp học nghề, mỗi lớp 50 người – đây là con số như muối bỏ biển”, ông Hoàng Phước Bính nói.
Cây hồ tiêu vẫn đang trong cơn bão dịch bệnh và giảm giá. Các nông hộ trồng hồ tiêu rơi vào cảnh trắng tay. Trong bức tranh chung này, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia Tổ chức Forest Trend – cho rằng, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung hàng hóa nông lâm sản toàn cầu, tuy nhiên, các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ thường vắng bóng trong các câu chuyện thành công trong xuất khẩu. Các cơ chế chính sách hỗ trợ cho khu vực này khi tham gia vào chuỗi cung toàn cầu vẫn rất mờ nhạt. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với ngành hồ tiêu mà còn cả ngành gỗ, cà phê….
Những người đầu tư về sau chưa thu được đồng nào từ cây tiêu bây giờ mang nợ ngân hàng |
Hiện 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Nông hộ là nhóm yếu thế. Ông Tô Xuân Phúc nhận định, các Hiệp định thương mại tự do - với cả cơ hội và rủi ro rất lớn đang chờ đợi các hộ nông dân - nhóm dễ bị tổn thương - ở phía trước. Để định vị lại vai trò của các nông hộ trong ngành hàng nông sản xuất khẩu, cần có cơ chế chính sách giảm thiểu rủi ro cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ tham gia chuỗi cung toàn cầu. Chính sách hỗ trợ phát triển mô hình liên kết cần dựa trên quan điểm về thị trường, chia sẻ lợi ích và nhà nước phải đứng ở giữa và bảo vệ nhóm yếu thế.
Năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam lớn, nhưng chủ yếu là sự tập hợp từ những mô hình quy mô nhỏ, tạo ra một lượng lớn sản phẩm “thô”. Trong khi đó, chuỗi giá trị của các ngành hàng còn rất ngắn dẫn đến hiệu quả không cao. Theo ông Stein Hansen - Giám đốc vùng, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), các quốc gia có thu nhập cao đã tạo ra 200 USD giá trị gia tăng đối với 1 tấn hàng hóa nông sản đã qua chế biến trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng 50 USD. Nguy cơ rủi ro về thị trường, lãng phí tài nguyên, sản phẩm đang là một thực tế chính trong ngành hồ tiêu Việt và nông hộ là người chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Số liệu của Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ ngành tiêu đến cuối năm 2017 là 17.019 tỷ đồng, cuối năm 2018 là 20.540 tỷ đồng và đến cuối tháng 6/2019 là 17.967 tỷ đồng, giảm 12,5% so với đầu năm 2019, trong đó dư nợ tập trung tại Tây Nguyên là 12.083 tỷ đồng chiếm 67,2% tổng dư nợ ngành hồ tiêu trên toàn quốc. |