Kỳ I: Tắc vốn đầu tư
Metro đầu tư vào các hộ trồng rau sạch tại Lâm Đồng |
Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được nhà nước ban hành khá đầy đủ, nhưng vì sao thu hút đầu tư vào nông nghiệp mãi vẫn chưa khơi thông?
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến hết tháng 7/2016, Việt Nam thu hút được 21.666 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 293,3 tỷ USD. Trong khi đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 523 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 3,570 tỷ USD, chiếm 2,4% về số dự án và 1,2% về số vốn đầu tư đăng ký. Riêng từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 2.000 dự án với tổng vốn đăng ký 12,940 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 16 dự án, với tổng vốn đăng ký 64 triệu USD, chiếm 0,8% về số dự án và 0,49% về số vốn đăng ký. Điều này cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không những không tăng mà đang có dấu hiệu giảm dần.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - cho biết: Rất nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam phản ánh, họ phải tự đàm phán với người nông dân để có đất phục vụ cho dự án. Đây là một trong những rào cản khiến lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam khó hấp dẫn đầu tư.
Có một thực tế là sự sụt giảm về con số hay quy mô đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua lại không gây bất ngờ cho các chuyên gia, bởi mặc dù đã có rất nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp được ban hành nhưng khoảng cách giữa chính sách và thực tế rất lớn; khi bắt tay thực hiện, các DN gặp phải rất nhiều khó khăn liên quan đến đất đai, vốn, quy hoạch…
Tại cuộc gặp gỡ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với DN ngành nông nghiệp mới đây, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco - chia sẻ: Cách đây 5 năm, Geleximco đầu tư gần 10.000 tỷ đồng vào Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang), trước đó, công ty đã được Chính phủ quy hoạch 165.000 ha rừng tại Tuyên Quang, trong khi công ty chỉ cần 30.000 ha rừng là đủ nguyên liệu cho nhà máy. Thế nhưng, khi triển khai xây dựng nhà máy thì công ty lại gặp khó khăn do không có đất khiến nhà máy rơi vào tình trạng phải “ăn đong” nguyên liệu.
Bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TH True Milk - bức xúc: Chủ trương của nhà nước là miễn thuế vật tư nhập khẩu cho DN nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, TH true MILK vẫn bị áp thuế 5%, chưa được hưởng ưu đãi nào.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - phân tích: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn “tắc” nhiều khâu, đặc biệt về đất đai. DN muốn thuê đất sản xuất phải chịu chi phí lớn và thủ tục phức tạp. Cụ thể, DN phải trả tiền mua hoặc thuê của dân sau đó nộp lại cho địa phương làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rồi chờ địa phương cấp giấy xác nhận cho DN thuê lại. Có nghĩa là, DN phải trả tiền thuê đất 2 lần cho cùng một diện tích đất được thuê.
Dù được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp, song thu hút đầu tư vào lĩnh vực này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. |
Kỳ II: Chính sách phải đi trước một bước