Người dân Gia Lai khóc ròng vì giá rau xanh rớt 'thê thảm' Gia Lai: Làm rõ nhóm người hành hung nữ sinh lớp 7 Sông Sê San và những ký ức của người dân làng chài |
Ngoài đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, tỉnh Gia Lai đang tập trung nguồn lực để ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo. Với việc hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, tỉnh Gia Lai là dư địa lớn để các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”. Từ đó, từng bước tạo đột phá để địa phương này phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”
Gia Lai sở hữu vùng nguyên liệu rộng lớn với hơn 98.700ha cà phê, sản lượng đạt khoảng 267.450 tấn/năm; 10.040ha hồ tiêu, sản lượng gần 35.700 tấn/năm; gần 30.000ha cây ăn quả (quy hoạch trên 100.000ha); gần 2.300ha dược liệu (quy hoạch 20.000ha).
![]() |
Viện Giống chanh dây của Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên |
Gia Lai nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, có chung 90km đường biên giới với tỉnh Ratanakiri - Campuchia; có điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và nhiều địa phương trong nước và quốc tế khi sở hữu Cảng hàng không Pleiku cùng các Quốc lộ 14, 19, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn.
Tính đến nay, tỉnh Gia Lai đã thu hút được gần 300 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, trong đó có 50 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10.402 tỷ đồng; 209 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi với tổng kinh phí đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng và 36 dự án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp với quy mô khoảng 39.000 ha. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Gia Lai cũng có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 88 dự án năng lượng tái tạo được quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.332,89 MW; đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 3.250,69 MW.
Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch tại địa phương này thời gian qua có nhiều khởi sắc khi đã đón khoảng 1,34 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 (tăng 11,7% so với năm 2023). Đặc biệt, cụm từ tìm kiếm "Du lịch Gia Lai" bất ngờ lọt vào “top 5” tìm kiếm của người Việt - theo danh sách Google Year Search 2024 "Google Một năm tìm kiếm" do Google công bố hồi tháng 12/2024. Vị trí này vượt trên cả lượng tìm kiếm những điểm đến hàng đầu như Đà Lạt, Đà Nẵng.
![]() |
Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên |
Với việc hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, tỉnh Gia Lai đã và đang đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo,....
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên - cho biết: Công ty hiện đã triển khai các dự án như xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng nhà máy tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả xuất khẩu với công suất 300 tấn chanh dây/ngày; xây dựng Viện Nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao có công suất 8 triệu cây giống/năm.
"Thời gian tới, công ty dự kiến đầu tư mở rộng các dự án: truy xuất, quản lý vùng trồng 30.000 - 50.000ha cà phê phát triển bền vững gắn với thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê nhân/rang xay/hòa tan; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chanh dây bền vững 30.000ha đến năm 2030 gắn với việc mở rộng quy mô sản xuất; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dứa gắn với xây dựng nhà máy chế biến nước ép dứa cô đặc với công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm" - ông Hùng thông tin.
![]() |
Mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại Nông trại Moon’s Coffee Farm |
Cùng với đó, những năm qua, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm cũng được đầu tư và thu hút được sự quan tâm lớn của du khách và người dân như: Moon’s Coffee Farm (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Zin’s Farm (xã Ia Kênh, TP. Pleiku), Huy Farm (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh),...
Chị Trần Thị Kim Phùng Thuỷ - Chủ nông trại Moon’s Coffee Farm - cho biết: "Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch được xây dựng, tổ chức dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mô hình trải nghiệm này chủ yếu diễn ra tại nông trại nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm mang lại nhiều giá trị to lớn cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp quảng bá văn hoá, đặc sản địa phương và nâng cao đời sống cho người nông dân".
Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Có thể nói, năm 2024 được coi là năm phát triển ổn định của tỉnh Gia Lai khi GRDP của tỉnh ước đạt 4,54%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 27.748 tỷ đồng, đạt 60,32% kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng đã được triển khai thực hiện.
Việc thu hút vốn đầu tư trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2024, ước có 1.020 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký 9.980 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 10.384 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 156.705 tỷ đồng. Cùng với đó, 17 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với vốn đăng ký 1.496 tỷ đồng.
![]() |
GRDP của tỉnh Gia Lai năm 2024 ước đạt 4,54% |
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu/cụm công nghiệp, trung tâm logistics, nhà máy chế biến nông - lâm sản; các khu trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, khu đô thị thông minh, khu thể thao (sân golf), khu vui chơi giải trí, các khu du lịch sinh thái, cộng đồng.
Về lĩnh vực logistics, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai - cho biết: Gia Lai đóng vai trò quan trọng và đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ tại địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực. Tỉnh xác định đây sẽ là đòn bẩy cho hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất khẩu phát triển, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.
Theo ông Binh, cần tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch; nghiên cứu, thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng. “Để phát triển dịch vụ logistics, cần phải cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics”- ông Binh chia sẻ.
![]() |
Công nghiệp chế biến là một trong những lĩnh vực thu hút số lượng lớn nhà đầu tư ở Gia Lai |
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư tại địa phương, ông Rah Lan Chung - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết: Năm 2025, Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,67%. Để làm được việc đó, Gia Lai sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, tiếp tục gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, nhất là trên lĩnh vực năng lượng tái tạo.
"Gia Lai sẽ đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhưng cũng kiên quyết xử lý thu hồi các dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện theo quy định để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác đăng ký tham gia" - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung nhấn mạnh.
Danh mục dự án thu hút đầu tư năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 của tỉnh Gia Lai có 98 dự án với tổng diện tích 16.624,21ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 42.974,1 tỷ đồng. Trong đó, năm 2025 có 54 dự án với tổng diện tích 6.806,03ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 25.321,4 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 có 44 dự án với tổng diện tích 9.818,38ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 17.652,7 tỷ đồng. |