Tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, bao trùm
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận: Do tác động, ảnh hưởng lớn ngoài dự báo của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của nước ta không đạt kế hoạch đề ra, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, có nơi nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tầng lớp nhân dân chậm được thu hẹp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi |
Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập là cần triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, bao trùm. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giải quyết các vấn đề cấp bách, hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn. Ưu tiên hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí. Đối với các địa bàn có trùng đối tượng, nội dung hỗ trợ đầu tư, thực hiện theo nguyên tắc chỉ đầu tư từ 1 chương trình và từ chương trình có định mức cao nhất. Phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước phải trên cơ sở kết quả thực hiện các chương trình MTQG hằng năm.
Được biết, từ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đến nay, đã có 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, mong muốn Quốc hội quan tâm thảo luận giải quyết những vấn đề khó khăn và tạo cơ chế, chính sách để khu vực này phát triển; xem xét tập trung rà soát, sắp xếp lại các chương trình MTQG để tránh chồng chéo, trùng lặp; rà soát, sửa đổi bất cập của tình trạng nợ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới…
Cầu thị, trách nhiệm để chương trình đạt mục tiêu đề ra
Tại phiên thảo luận ngày 4/11/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến cho biết: Các ý kiến của đại biểu nêu về thực trạng chậm phát triển, khó khăn trong đời sống, bất cập trong chính sách dành cho khu vực DTTS và miền núi là hoàn toàn chính xác. Thực tế này cũng chính là cơ sở để kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XIV quyết định ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngày 2/10/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết 139/NQ-CP giao UBDT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành tiêu chí trong quý IV/2020 làm cơ sở để xác định các đối tượng thụ hưởng chính sách. Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm và quyết tâm cao để chương trình đạt kết quả như mục tiêu đề ra, đến nay, UBDT đã hoàn thành các tiêu chí: Phân định vùng DTTS theo lộ trình phát triển; phân định nhóm DTTS còn nhiều khó khăn; phân định nhóm DTTS có khó khăn đặc thù. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bổ sung, cập nhật, hoàn thiện các thông tin, nội dung cần thu thập.
“Năm 2020, trước ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước vẫn xem xét đầu tư 104.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn mà Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trước những mất mát của các tỉnh miền Trung do hậu quả của thiên tai (trong đó có một bộ phận không nhỏ là đồng bào DTTS ở các địa bàn miền núi, biên giới); UBDT đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, cân đối để tăng nguồn chi của Chương trình cho các địa phương miền Trung để bà con có điều kiện khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.