Sáng 9/11, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi (gọi tắt Chương trình 1719) giai đoạn I (2021 - 2025) và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn II (2026 -2030) khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi giai đoạn I (2021 - 2025) và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn II (2026 -2030) khu vực miền Trung, Tây Nguyên. |
Tham dự hội nghị còn có: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr. Cùng đại diện các bộ, ngành trung ương; Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân tộc 16 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo đó, khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 16 tỉnh, thành phố, bao gồm 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III, với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 24.53% thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) của cả nước.
Kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách trung ương của Chương trình 1719 đến thời điểm 30/9/2024 của 16 tỉnh trong khu vực cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước với số vốn giải ngân đạt 12.933 tỷ đồng (tương đương 60,6%). Riêng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình hiện nay đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%. Trong đó, các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà, Bình Định có kết quả giải ngân tốt nhất lần lượt là: 76,5%, 76,3% và 69,5%. Các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất gồm: Quảng Ngãi 49,2%, Đắk Lắk 51,9%, Quảng Bình 53,3%.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là những kết quả đạt được và hạn chế, tốn tại trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong giai đoạn I cũng như đề xuất những nội dung cụ thể Chương trình giai đoạn II, đặc biệt là việc xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình. Đề xuất cơ cấu, nội dung các dự án thành phần và nguồn vốn của Chương trình; các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình cho giai đoạn II.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình 1719.
Qua thực hiện Chương trình 1719, đời sống đồng bào được nâng lên đáng kể, hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo vùng dân tộc, miền núi thay đổi nhiều; nhiều chính sách nhân văn đến với người dân. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng quá trình thực hiện Chương trình 1719 còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục. Điển hình như một số cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập, thiếu hợp lý, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan và địa phương có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, chặt chẽ. Triển khai các dự án hạ tầng còn khó khăn, ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình của khu vực còn có một phần nguyên nhân do tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thờ ơ vô cảm, sợ sai của một bộ phận cán bộ, làm việc chưa đến nơi đến chốn,...
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các địa phương chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn.
Cùng với đó, chú trọng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp cơ sở gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai thực hiện và giám sát Chương trình. "Hết sức chú trọng công tác kiện toàn nhân sự. Tham gia thực hiện Chương trình 1719 phải thực sự lựa chọn được những người có kinh nghiệm, kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm và thiết tha với đồng bào, với vùng dân tộc", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi nhận tại hội nghị sáng nay:
Hội nghị được diễn ra vào sáng nay (9/11) tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) |
Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, các đại biểu khu vực miền Trung và Tây Nguyên |
Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân tộc 16 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham dự hội nghị |
Các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 |
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên phát biểu chào mừng tại hội nghị |
Chương trình 1719 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. |