Cao ủy EU đề xuất chuyển châu Âu sang nền kinh tế thời chiến EU huy động nguồn lực đối phó với kinh tế thời chiến |
Theo Tạp chí Tri thức thế giới của Trung Quốc, từ khi phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn từ phương Tây vào năm 2022 đến nay, nền kinh tế Nga đã cho thấy sự vững vàng trước tác động tiêu cực từ bên ngoài và đạt được mức tăng trưởng nhanh hơn dự báo.
Kinh tế Nga đương đầu với nhiều sức ép
Kết quả chính của nền kinh tế thời chiến là kinh tế tăng trưởng cao hơn dự báo và đi kèm với tình trạng kinh tế quá nóng. Năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ giảm 1,2%, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 lên tới 3,6% và GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước đó.
![]() |
Với những dữ liệu kinh tế khởi sắc, Nga dường như vẫn sẵn sàng tiếp tục rót tiền cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ảnh: TASS |
Ông Kirill Tremasov, cố vấn của Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt khoảng 4%, tuy nhiên nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục hoạt động trong tình trạng quá nóng.
Nền kinh tế quá nóng được thể hiện ở tỷ lệ thất nghiệp của Nga liên tục giảm kể từ năm 2023 đến nay, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng đã vượt quá năng lực cung ứng. Tháng 11/2024, tỷ lệ thất nghiệp của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2000, chỉ ở mức 2,3%. Do nhu cầu đầu tư và tiêu dùng tăng quá nhanh khiến mức giá liên tục tăng cao. Mặc dù Ngân hàng trung ương Nga từng nhiều lần tăng lãi suất chủ yếu nhưng hiệu quả kiềm chế lạm phát vẫn không rõ rệt.
Ngành sản xuất chế tạo dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Nga. Hơn 2 năm qua, do tác động của các biện pháp trừng phạt, hoạt động xuất khẩu tài nguyên của Nga bị cản trở và tăng trưởng yếu. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Nga đạt 4,1%.
Tốc độ tăng trưởng của 2 ngành công nghiệp chính là ngành khai khoáng đạt 1,3%, trong khi ngành sản xuất và chế biến lại đạt 7,5%. Từ đó có thể thấy tăng trưởng công nghiệp chủ yếu dựa vào ngành sản xuất và chế biến. Tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2024 tiếp tục đặc điểm mang tính cơ cấu của năm 2023, ngành sản xuất và chế biến tiếp tục tăng trưởng nhanh. Sau hơn 20 năm phi công nghiệp hóa, Nga đã khởi động lại tiến trình tái công nghiệp hóa toàn diện trong tình trạng kinh tế thời chiến.
Đầu tư và tiêu dùng đã thay thế xuất khẩu năng lượng để trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư vào tài sản cố định tăng trưởng nhanh. Năm 2023, đầu tư vào tài sản cố định tăng 9,8%, tỷ lệ tích lũy chiếm 26,1% GDP, tiêu dùng chiếm 69,5%, xuất khẩu ròng chiếm 4,4% (năm 2022 là 12,7%).
Đầu tư tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng đầu tư lên tới 10,9% trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ yếu lên 21% nhưng đà tăng trưởng của đầu tư vẫn không bị kiềm chế.
Việc kinh tế tăng trưởng cao hơn dự báo đi kèm với tiền lương và thu nhập thực tế khả dụng của người dân tăng trưởng nhanh chóng, cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và cuộc chạy đua tuyển dụng đã thúc đẩy tiền lương danh nghĩa tăng nhanh. Tiền lương danh nghĩa của người lao động Nga trong năm 2023 tăng 14% và tiền lương thực tế tăng 7,8% so với năm 2022.
Theo số liệu chính thức của Nga, trong 3 quý đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tiền lương danh nghĩa của người lao động lên tới 17,8%, nếu không tính đến yếu tố lạm phát thì tiền lương thực tế tăng 8,1%. Sau khi tiêu dùng trong năm 2023 tăng trưởng nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ Nga trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8,8%.
Biến thách thức thành cơ hội
Mặc dù Nga tăng nhanh chi tiêu quốc phòng, nhưng nhìn chung tình hình tài khóa vẫn khá tốt, thu chi tài chính tăng với tỷ lệ ngang nhau, quy mô thâm hụt ngân sách ổn định. Kể từ năm 2022, Nga từ bỏ nguyên tắc tài chính cân bằng và thặng dư ngân sách để thực hiện chính sách thâm hụt tài chính. Do được hưởng lợi từ nguồn thu xuất khẩu năng lượng tăng mạnh trong năm 2022, thâm hụt ngân sách thực tế của Nga trong năm này là 3.300 tỷ Ruble, thấp hơn mục tiêu 2,3%.
![]() |
Do chịu nhiều biện pháp trừng phạt và nền kinh tế đang ở trạng thái thời chiến, ngành năng lượng và nông nghiệp Nga phải cùng gánh vác nhiệm vụ là "cỗ máy ổn định" chiến lược. Ảnh: RIA |
Thu ngân sách trong năm 2023 là 26.100 tỷ Ruble, chi là 29.000 tỷ Ruble và thâm hụt là 2.900 tỷ Ruble, chiếm 2% GDP. Từ tháng 1-11/2024, thu ngân sách là 32.600 tỷ Ruble, chi là 33.040 tỷ Ruble và thâm hụt là 440 tỷ Ruble, chiếm 0,2% GDP, cần chi 6.400 tỷ Ruble trong tháng 12 mới có thể đạt được mục tiêu chi ngân sách.
Hệ thống tài chính của Nga ổn định và các rủi ro do một vài lần biến động tỷ giá hối đoái từ năm 2022 đến nay gây ra đều được quản lý hiệu quả. Ngân hàng trung ương Nga bơm thêm tiền cho nền kinh tế thông qua các khoản vay ưu đãi có mục tiêu và đấu giá hạn mức tín dụng, vận hành ổn định và rủi ro thấp.
Dự trữ ngoại hối tăng trưởng ổn định, lên tới 631,5 tỷ USD vào tháng 10/2024 và 616,4 tỷ USD vào cuối tháng 11/2024. Cơ cấu dự trữ an toàn, hợp lý và có tính thanh khoản cao. Từ tháng 1-11/2024, thặng dư thương mại là 118,6 tỷ USD. Vì vậy, đồng Ruble không có khả năng bị mất giá.
Kinh tế Nga tăng trưởng chủ yếu là do các đơn hàng vũ khí và sự mở rộng của ngành sản xuất chế tạo. Xét từ cơ cấu chuỗi sản xuất của tăng trưởng công nghiệp, tổ hợp công nghiệp quốc phòng đóng vai trò là động cơ thúc đẩy tăng trưởng của ngành sản xuất chế tạo. Để hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine kể từ tháng 2/2022, Nga đã tăng mạnh chi tiêu quân sự.
Chi tiêu quân sự lên đến 6.400 tỷ Ruble trong năm 2023, tăng lên 10.800 tỷ Ruble trong năm 2024 và dự đoán trong năm 2025 là 13.500 tỷ Ruble. Chi tiêu quân sự danh nghĩa trong 3 năm này lần lượt chiếm 3,7%, 6% và 6,31% GDP.
Do chịu nhiều biện pháp trừng phạt và nền kinh tế đang ở trạng thái thời chiến, ngành năng lượng và nông nghiệp Nga phải cùng gánh vác nhiệm vụ là "cỗ máy ổn định" chiến lược. Về xuất khẩu dầu thô, Nga cơ bản giảm bớt ảnh hưởng do mất đi thị trường dầu thô ở châu Âu thông qua "hạm đội bóng tối" (một nhóm tàu cũ và thường không có bảo hiểm, được Điện Kremlin sử dụng để vận chuyển dầu trong khi tránh các lệnh trừng phạt quốc tế được áp dụng vào năm 2022) và khai thác thị trường châu Á.
Kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm từ 242 triệu tấn trong năm 2022 xuống còn 234 triệu tấn trong năm 2023, cơ bản bằng mức 232 triệu tấn trong năm 2021. Xuất khẩu khí tự nhiên ít chịu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt. Nga đã xuất khẩu 238 tỷ m3 khí tự nhiên trong năm 2021 và 143,6 tỷ m3 trong năm 2023.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Nga lên tới gần 200%, phát huy vai trò là "cỗ máy ổn định" cho kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.
Trong môi trường kinh tế thời chiến, Nga đẩy nhanh quá trình thay thế nhập khẩu. Năm 2022, phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với Nga. Đồng thời, nhiều công ty của Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đều rút khỏi Nga, để lại thị trường cho doanh nghiệp Nga. |