Động đất Myanmar: Khuyến nghị với an toàn công nghiệp Việt Nam! Động đất Myanmar cảnh báo những vùng đứt gãy Việt Nam Động đất Myanmar: Giao thương Việt Nam - Myanmar ảnh hưởng thế nào? |
Một bản đồ địa chấn mới công bố từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) hé lộ thực tế: Đông Nam Á là khu vực có hoạt động địa chấn dữ dội bậc nhất thế giới. Nhưng điều gì khiến nhiều người vẫn tin rằng Việt Nam là vùng “miễn nhiễm” với các trận động đất?
![]() |
Bản đồ địa chấn Đông Nam Á 50 năm qua. Ảnh: USGS |
7,7 độ Richter tại Myanmar – hồi chuông cảnh báo
Bản đồ địa chấn do USGS xây dựng dựa trên dữ liệu 50 năm qua cho thấy rõ điểm nóng Myanmar – nơi trận động đất mạnh 7,7 độ vừa xảy ra ngày 28/3/2025. Đây không phải là hiện tượng đơn lẻ. Vị trí Myanmar nằm dọc theo đứt gãy Sagaing – vết nứt dài kéo dài khoảng 1.200 km theo hướng Bắc-Nam qua miền Trung Myanmar và là ranh giới giữa các mảng kiến tạo Sunda và Burma cổ đại, hiện là một phần của mảng Á-Âu. Sự dịch chuyển giữa các mảng này với tốc độ khoảng 18 mm mỗi năm dẫn đến tích tụ ứng suất, có thể giải phóng qua các trận động đất lớn.
Myanmar, cùng với Philippines và Indonesia – đều nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương” – trở thành “tọa độ đỏ” trên bản đồ địa chấn toàn cầu. Tại đây, những trận động đất và sóng thần có sức hủy diệt khủng khiếp không còn là chuyện hiếm. Trận động đất - sóng thần năm 2004 từng khiến hơn 230.000 người ở châu Á và châu Phi thiệt mạng là minh chứng đau lòng.
Việt Nam có thực sự “an toàn”?
Tấm bản đồ dữ liệu từ USGS thể hiện các trận động đất ≥4.0 độ Richter tại Đông Nam Á từ năm 1975 đến tháng 3/2025. Nhìn thoáng qua, Việt Nam nổi bật bởi sự vắng bóng: Gần như không có nhiều dấu hiệu động đất mạnh trên lãnh thổ, đặc biệt là khi so sánh với “bức tường lửa địa chấn” kéo dài từ Indonesia, Philippines đến Myanmar.
Tuy nhiên, “vùng trống” không có nghĩa là “vùng an toàn”. Lý do khiến Việt Nam xuất hiện ít dấu chấm không phải vì không có nguy cơ, mà vì: Chúng ta nằm ngoài rìa vành đai lửa, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng lan truyền sóng địa chấn từ các quốc gia lân cận như Myanmar, Trung Quốc.Dữ liệu ghi nhận địa chấn nội địa còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các trận trên 4.0 độ Richter, trong khi nhiều trận quy mô nhỏ hơn vẫn có thể gây ảnh hưởng địa phương.
Mặc dù không nằm trực tiếp trên ranh giới mảng kiến tạo lớn, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng rõ rệt từ hoạt động địa chấn khu vực, đặc biệt là từ Myanmar và phía Tây Nam Trung Quốc. Nhiều đứt gãy kiến tạo nội địa vẫn âm thầm hoạt động, gây ra các trận động đất nhỏ đến trung bình tại nhiều địa phương:
Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La): Là khu vực hoạt động địa chấn mạnh nhất cả nước. Lịch sử ghi nhận trận động đất 6,9 độ Richter tại Điện Biên năm 1935 và 6,7 độ tại Tuần Giáo năm 1983. Các đới đứt gãy như Sông Mã – Tuần Giáo – Lai Châu vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ cao.
Bắc Giang - sông Hồng: Đứt gãy chạy qua Hà Nội kéo dài đến Vĩnh Phúc và có nguồn gốc từ Vân Nam (Trung Quốc). Dù đang “ngủ yên”, nguy cơ tái hoạt động không thể loại trừ.
Quảng Nam - Sông Tranh 2: Nổi lên như một điểm động đất kích thích do hoạt động hồ chứa thủy điện. Trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận tại đây là 4,7 độ Richter (15/11/2012), gây thiệt hại cho nhà dân và công trình.
Kon Tum - Kon Plông: Từ năm 2020 đến nay, khu vực này ghi nhận hàng trăm trận động đất. Trận mạnh nhất xảy ra ngày 28/7/2024 với cường độ 5,0 độ Richter, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh Tây Nguyên và miền Trung.
Tấm bản đồ địa chấn do USGS công bố - với các cụm điểm dày đặc trải dài từ Indonesia đến Myanmar, và một khoảng trống tương đối ở Việt Nam – không nhằm mục đích tạo ra hoang mang hay sợ hãi. Nó là công cụ trực quan mạnh mẽ để gióng lên hồi chuông cảnh báo: Trên hành tinh luôn vận động này, không nơi nào là hoàn toàn an toàn. Rủi ro không phân biệt ranh giới quốc gia.
Vì vậy, thay vì trấn an bằng cụm từ “nằm ngoài vành đai lửa”, Việt Nam cần chủ động hơn bao giờ hết. Cần lập bản đồ nguy cơ địa chấn chi tiết, cập nhật liên tục; đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cảnh báo sớm và ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, cảm biến mặt đất, viễn thám; đồng thời lồng ghép kiến thức ứng phó động đất vào trường học, truyền thông đại chúng, và diễn tập cộng đồng. Những bước đi đó không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra, mà còn tạo ra một xã hội chủ động, bản lĩnh và thích ứng tốt hơn với các rủi ro của thời đại biến đổi khí hậu và bất ổn địa chất.
Việt Nam nằm ngoài “Vành đai lửa Thái Bình Dương” – khu vực địa chất sôi động bậc nhất thế giới, nơi các mảng kiến tạo va chạm mạnh mẽ, tạo ra hàng nghìn trận động đất và phun trào núi lửa mỗi năm. Đây là một thực tế địa lý không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam “miễn nhiễm” với động đất.