Thực thi CPTPP: Áp lực và cơ hội |
Kỳ II: Khai thác lợi thế CPTPP bằng tầm nhìn dài hạn
Dư địa còn lớn
Các chuyên gia cho rằng, ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và đồ uống của Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh XK vào thị trường CPTPP. Theo đó, các DN ngành hàng này được dự báo có cơ hội phát triển sản xuất thông qua việc thực hiện các thay đổi về thể chế, quy tắc trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP.
Không chỉ đẩy mạnh XK, DN Việt Nam còn có cơ hội nhập nguyên, phụ liệu, máy móc, thiết bị công nghệ từ các nước CPTPP với chi phí hợp lý, tiếp cận được các dịch vụ phục vụ sản xuất logistics, viễn thông… chất lượng tốt hơn khi CPTPP mở cửa cạnh tranh với các dịch vụ này.
Sản phẩm gỗ có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường CPTPP |
Thực thế hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang làm chậm lại dòng chảy thương mại toàn cầu, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tận dụng các ưu đãi của các hiệp định thương mại, trong đó có CPTPP được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước và XK về dài hạn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, XK của Việt Nam sang thị trường các nước trong CPTPP tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Trong đó, thị phần kim ngạch XK đối với ngành giày dép, dệt may, đồ gỗ, đồ uống lần lượt ở mức 12,5%;16,04%; 20% và 23,46%.
Tối đa hóa lợi thế
Mặc dù đã có nhiều DN chủ động tìm hiểu về CPTPP, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), các DN còn quá lưu tâm đến vấn đề ngắn hạn, chủ yếu về thuế và cắt giảm thuế, chứ chưa hiểu đầy đủ về quy tắc xuất xứ, các biện pháp dịch tễ (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)… và thiếu các thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong nước và ngoài nước.
“Để tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP, DN cần xử lý các thách thức, cải thiện năng lực cạnh tranh, hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác”- ông Dương nhấn mạnh.
TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - cho rằng, bên cạnh nỗ lực của DN, 3 điểm Chính phủ đặc biệt cần quan tâm khi thực thi CPTPP. Trước hết, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết. CPTPP tác động lên toàn bộ nền kinh tế nên đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp. Hai là, chúng ta không chỉ thực thi đúng cam kết mà phải vượt lên các quy định này để đáp ứng xu thế mới, đảm bảo kinh tế chuyển động vượt lên bền vững. Ba là, cùng với cải cách thể chế, Chính phủ cần tích cực hơn trong việc tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu chi phí không cần thiết, khích lệ DN phát triển, nhất là DN nhỏ và vừa.
Để DN tận dụng được ưu đãi thuế quan trong CPTPP, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong CPTPP và có những sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định. Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 06/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP. Tạo cơ hội tháo gỡ vướng mắc cho DN khi XK sang một số thị trường CPTPP, giúp DN tận dụng cơ hội từ việc hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết tại Hiệp định này.
Bộ Công Thương đã xây dựng và vận hành trang web chính thức của Việt Nam về CPTPP, trong đó cập nhật thường xuyên các thông tin Hiệp định, tình hình thực thi, giải thích các cam kết của Việt Nam và các nước CPTPP… giúp DN nắm rõ, đảm bảo việc thực thi có hiệu quả. |