Hướng tới sản xuất rau, quả công nghệ cao ở Yên Minh
Vài năm trở lại đây, tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã triển khai xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.
Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp Ngọc Bích, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh là một trong những cơ sở đã được huyện Yên Minh lựa chọn hỗ trợ thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau nhà lưới đã thu được những thành công bước đầu.
Mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX Ngọc Bích (thị trấn Yên Minh) |
Anh Nguyễn Xuân Vình, thành viên HTX Ngọc Bích cho biết: Từ cuối năm 2019, HTX bắt đầu xây dựng nhà lưới và hệ thống thủy canh để trồng rau, quả với diện tích gần 1.000 m2. Mô hình này được thực hiện ngược lại phương thức canh tác truyền thống, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên; lựa chọn xây dựng nhà lưới chống côn trùng, sâu hại và hệ thống điều tiết nước thủy canh, hệ thống tưới nhỏ giọt, điều chế chế phẩm sinh học kỹ thuật công nghệ cao để trồng rau, dưa, cà chua mang lại hiệu quả cao.
Đến nay, khu vực nhà lưới của HTX có khoảng 30 giàn thủy canh chuyên canh trồng các loại rau cải; khu trồng cây cà chua và cây dưa chuột trồng trong bầu với hệ thống tưới nhỏ giọt. Ưu điểm sản xuất của mô hình là giảm tối đa việc thuê nhân công chăm sóc, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây, đặc biệt là hệ thống rau thủy canh chỉ cần bổ sung dinh dưỡng 1 lần/tháng và không tốn nhiều nước tưới do hệ thống nước được luân chuyển. Hơn hết, thời gian sinh trưởng của các loại cây trồng thủy canh chỉ bằng một nửa phương pháp trồng trên đất truyền thống.
Được biết, HTX Ngọc Bích được UBND được huyện Yên Minh hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà lưới và đầu tư hệ thống thủy canh. Theo anh Nguyễn Xuân Vình, hiện tại HTX đang tập trung vào sản xuất rau, cà chua, dưa chuột và đang nghiên cứu mở rộng sản xuất các loại cây trồng khác. Tổng mức đầu tư vào khu sản xuất, nhà lưới, hệ thống thủy canh, tưới nhỏ giọt, pha chế chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ… khoảng hơn 1 tỷ đồng. Diện tích rau thủy canh tại nhà lưới có năng suất từ 5 – 6 tạ rau/tháng; cà chua và dưa chuột cho sản lượng bình quân khoảng 3kg/cây/vụ. Giá bán hiện tại các loại sản phẩm từ 15 – 35.000 đồng/kg.
Rau được trồng giàn thuỷ canh |
Định hướng sản xuất tập trung theo quy mô lớn, chuyên canh và tự động hóa, xây dựng nhãn hiệu, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đại diện HTX Ngọc Bích mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của huyện và ngành nông nghiệp các cấp để mở rộng diện tích nhà lưới, mở rộng quy mô sản xuất và kéo dài thời gian thuê đất để yên tâm đầu tư.
Đồng thời, HTX này cam kết sản phẩm luôn đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cao nhất, đảm bảo chất lượng sản phẩm hơn các sản phẩm trồng theo phương thức truyền thống. Đây có thể trở thành mô hình điển hình của huyện, tỉnh trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất ở những địa phương còn nhiều khó khăn như Yên Minh.
Ông Ngô Xuân Nam – Bí Thư huyện ủy Yên Minh cho biết, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để HTX mở rộng quy mô, phát triển hơn nữa. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả. Cùng với đó, từ những thành công bước đầu, HTX cũng cần chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, gia đình, đơn vị để cùng liên kết trong sản xuất.
Từ những lợi thế tự nhiên, huyện Yên Minh cũng đang tập trung phát triển nông nghiệp, chủ yếu là cây và con. Trong đó, huyện đang thí điểm trồng các loại cây ôn đới quen thuộc của Yên Minh là cây xoài, hồng, mận… để các loại cây này trở thành đặc sản của vùng. Sau đó là tập trung phát triển chăn nuôi, chủ yếu là gia súc, gia cầm. Những mô hình như này sẽ dần được đẩy mạnh phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc trưng có giá trị kinh tế cao, gắn với xây dựng nông thôn mới – Ông Ngô Xuân Nam cho hay.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là một bộ phận quan trọng của sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng phân khúc thị trường cao cấp, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn và nâng tầm thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển hơn nữa, các mắt xích trong chuỗi sản xuất - tiêu dùng phải được hoàn thiện mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất.
Trong đó, các địa phương cần tập trung công tác đào tạo và nâng cao năng lực sản xuất để các HTX, doanh nghiệp, nhóm hộ và hộ dân triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ hiểu rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm nông nghiệp sản xuất. Đồng thời, các cơ sở cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các sản phẩm khi đưa ra thị trường về nhãn mác, chất lượng để bảo vệ thương hiệu sản xuất…