Hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu |
Thị trường tiêu thụ nông sản được rộng mở
Sau 5 năm thực hiện TCC, ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả to lớn, trước hết và quan trọng nhất là đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thống nhất quan điểm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như của toàn xã hội vì sự cần thiết phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tăng nhanh, tỷ trọng các sản phẩm có lợi thế và sản phẩm đã qua chế biến. Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh bình quân đạt 31,5 tỉ đô la Mỹ/năm, tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước đó. Kết quả thực hiện TCC nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với 3 nghìn 452 xã, đạt 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nhanh từ 14,1% năm 2012 xuống còn khoảng 8% vào năm 2017. Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/người tăng gần 10 triệu đồng trên 1 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,1% xuống còn khoảng 8%, đến hết năm 2017, tỷ lệ tre phủ rừng đạt 41,45%…
Đóng góp vào công cuộc thực hiện TCC ngành nông nghiệp trong 5 năm qua, Bộ Công Thương với các chương trình bình ổn thị trường, mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản… đã đảm bảo ổn định việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua các hợp đồng kinh tế. Qua đó, góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”. Cạnh đó, với các chính sách thương mại, các hàng rào kỹ thuật và điều hành hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng linh hoạt, hiệu quả tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nông sản và bảo vệ sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, với việc mở rộng “sân chơi” cho hàng hóa Việt Nam, đến nay, đang thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho nông sản Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập thị trường tốt hơn…
Về thị trường, năm 2011, Việt Nam có19 thị trường xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD thì đến năm 2017 đã lên đến hơn 30 thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, các DN Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do FTA đem lại, xuất khẩu vào các nước có FTA đang ngày càng tăng. Cụ thể, xét giai đoạn 2010-2017, sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực năm 2010, với mức thuế suất nhập khẩu về 0%, xuất khẩu hạt điều sang Úc tăng trưởng bình quân 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm; sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (Hiệp định Việt Nam – EAEU) có hiệu lực tháng 10/2016, điều xuất khẩu sang Liên bang Nga năm 2017 tăng 59,6%/năm, rau quả tăng 19,9%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, các đại biểu cho rằng, thực hiện Đề án TCC ngành nông nghiệp là chiến lược lâu dài, đòi hỏi có tầm nhìn xa. Vì vậy, cần có thêm các cơ chế, chính sách mới để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả Đề án xây dựng và phát triển 15 nghìn hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với hợp tác xã và DN, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khuyến khích để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị |
Lấy thị trường thế giới làm mục tiêu để cạnh tranh và phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: Sau 5 năm thực hiện Đề án TCC ngành nông nghiệp đã đạt được hoặc gần tiệm cận đạt được đến mục tiêu phát triển của năm 2020 về cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, DN và nông dân quan tâm phát triển….
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững. Chất lượng TCC nông nghiệp ở một số nơi còn thấp, sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Nhiều nơi còn sản xuất theo phong trào thiếu kế hoạch dẫn đến có nơi dư thừa sản phẩm, có lúc thiếu sản phẩm. Quy mô của nhiều sản phẩm còn nhỏ, năng suất chất lượng thấp chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, giá trị gia tăng thấp, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam….
Bước vào giai đoạn phát triển mới, với những tiến bộ của khoa học công nghệ, cách mạnh công nghệ 4.0 tạo ra cơ hội lớn cho phát triển ngành nông nghiệp. Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp ngày càng mở rộng nhất là thị trường trong nước. Nhu cầu cho sản phẩm chất lượng ngày càng cao hơn. Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới.
Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa tái cơ cấu ngành lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, miền, địa phương và từng lĩnh vực. Hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn.
Trên cơ sở TCC ngành, Phó thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT cần chủ trì với các bộ, ngành, địa phương phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Thu hút các DN, trong đó có các HTX, tổ hợp tác đầu tư vào nông nghiệp, và coi DN là động lực chính cho phát triển.
Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Gắn thị trường tiêu thụ trong nước với thị trường thế giới, trong đó, lấy thị trường thế giới làm mục tiêu để cạnh tranh và phát triển, từ đó, lựa chọn những sản phẩm phù hợp.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, trong thời gian tới, cần rà soát lại từng ngành hàng để tập trung vào những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, những nhóm hàng hóa mà thế giới đang có nhu cầu cao. Trên cơ sở đó ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu, cũng như cập nhật yếu tố thời đại, đặc biệt giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 để tổ chức nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp và hiệu quả.