Giá ca cao tăng kỷ lục, doanh nghiệp bánh kẹo gồng mình chống lỗ Ca cao tăng giá, người trồng phấn khởi Giá ca cao toàn cầu tăng cao ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất socola |
Giá ca cao ghi nhận mức tăng kỷ lục
Sau thời gian khá dài, giá ca cao vẫn giữ ở mức 5.000-6.000 đồng/kg, những tháng cuối năm 2024 giá nguyên liệu tăng lên 12.000 đồng/kg và hiện giá ca cao tươi hiện đang ở mức 14.000-16.000 đồng/kg hạt tươi và 220.000-230.000 đồng/kg hạt khô, thậm chí có nơi lên mức 260.000 đồng/kg cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 4-5 lần so với năm 2022. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.
![]() |
Giá ca cao tăng 4-5 lần so với năm 2022. Ảnh minh họa |
Hiện nông dân đang bước vào vụ mùa thu hoạch, với mức giá này, trung bình mỗi hecta ca cao mang lại cho người nông dân thu nhập từ 400-450 triệu đồng. Theo các hộ nông dân đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy tiềm năng kinh tế lớn từ cây ca cao, giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
Biến đổi khí hậu, hạn hán, sâu bệnh đang tác động mạnh đến sản lượng ca cao toàn cầu với mức thiếu hụt khoảng 0,6 triệu tấn so với nhu cầu. Đặc biệt là thiếu hụt nguồn cung từ Bờ Biển Ngà và Ghana, khu vực cung ứng 70% loại nông sản này của thế giới. Bên cạnh đó là sự quan ngại của các nhà thu mua đẩy giá tăng lên mức lịch sử.
Giá ca cao tăng vọt tạo ra cơ hội "vàng" cho người nông dân nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các hợp tác xã (HTX) sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ. Bởi giá ca cao tăng cao đồng nghĩa với việc HTX cần một lượng vốn lớn để thu mua nguyên liệu đầu vào. Trong bối cảnh hiện tại, việc huy động vốn trở nên vô cùng khó khăn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của HTX. Không chỉ vậy, sản lượng ca cao trên địa bàn còn hạn chế, trong khi các thương lái ồ ạt thu mua, đẩy giá lên cao và tạo ra sự cạnh tranh gay gắt.
Ca cao là đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất socola. Không chỉ các HTX sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ chịu tác động, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng này cũng đang đối mặt với những khó khăn không nhỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE (sở hữu thương hiệu Miss Ede) - cho hay, đơn vị duy nhất sử dụng 100% trái ca cao tại các khu vực canh tác cảnh quan đạt tiêu chuẩn canh tác bền vững của quốc tế ngay chính tại Tây Nguyên. Việc giá hạt nguyên liệu đầu vào tăng quá cao và kéo dài khiến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp sản xuất socola và ca cao thành phẩm trong đó có Miss Ede bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân do thị trường tiêu dùng không chấp nhận giá một sản phẩm thành phẩm tăng giá bán lẻ lên 4-5 lần theo giá tăng nguyên liệu, mà chỉ chấp nhận ở một mức tăng thường không vượt quá 15%. Chính điều này đã và đang khiến các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa nếu không còn lượng hạt tồn kho với giá thấp đang đối diện nguy cơ lỗ luỹ kế nặng nề.
Giá ca cao tăng mạnh mang lại niềm vui không nhỏ cho người nông dân nhưng lại là nỗi trăn trở của không ít các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Xu hướng hiện tại, các nhà sản xuất sô cô la đang ở thế sản xuất cầm chừng, thậm chí một số thu nhỏ quy mô sản xuất để giảm thiểu thua lỗ. Một số khác buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hoá nhóm sản phẩm, chuyển dịch sang các sản phẩm tiêu với tỷ lệ nguyên liệu từ hạt ca cao thấp hơn để ngăn ngừa thua lỗ, đảm bảo lợi nhuận để duy trì doanh nghiệp.
Ông Hoàng Danh Hữu cho rằng, việc giá ca cao tăng cao là điều tốt cho người nông dân, tuy nhiên nếu mức tăng ở mức gấp 1,5-2 lần so với năm 2022 sẽ là mức phù hợp hơn, vì cũng giúp cho các nhà máy sản xuất thành phẩm đảm bảo được một phần lợi nhuận. Còn nếu giá duy trì mức tăng 4-5 lần như hiện tại, ngành sản xuất socola toàn cầu đang đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Lo ngại tăng nóng diện tích trồng
Cây ca cao từng phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Thời hoàng kim, năm 2012 diện tích lên đến 25.700ha. Tuy nhiên, do khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác, ca cao từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ từ những năm 2013 khi nông dân ồ ạt chặt bỏ vì giá cả bấp bênh. Đến năm 2023, diện tích trồng ca cao giảm gần 90% so với năm 2012.
Tính đến cuối năm 2024, trên cả nước đang có khoảng hơn 3.000 ha diện tích trồng ca cao với sản lượng hạt khô khoảng 3.500 tấn/năm. Dù vậy, diện tích này là rất khiêm tốn so với cà phê (730.500 ha) và điều (300.800 ha).
Do giá tăng cao, hiện cây ca cao đang là sự lựa chọn của nhiều nông dân. Bởi ca cao là cây không quá tốn chi phí chăm sóc, phân thuốc. Lợi thế mở rộng khi ca cao không chỉ trồng chuyên canh mà có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cây cà phê, cây điều, cây chuối và mang lại lợi ích kép cho nông dân về kinh tế. Trong năm nay, dự kiến cả nước sẽ có thêm khoảng trên 500ha trồng ca cao.
Đánh thức ngành hàng ca cao đang được các bên đang triển khai bởi đây được cho là lợi thế rất riêng có của Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam đang sở hữu giống ca cao hiếm Trinitario (chiếm 15% sản lượng ca cao toàn cầu) có hương vị mang tính bản địa đặc sắc.
Cùng với các giống ca cao khác, Việt Nam trở thành 1 trong những điểm đến hấp dẫn các nhà thu mua hạt ca cao nước ngoài. Nhiều thương hiệu sản xuất chocolate cũng đã mở nhà máy ở Việt Nam, ưu tiên chế biến nguyên liệu tại chỗ để xuất khẩu.
Ông Justin Jacquat, Quản lý Cacao khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, so với Malaysia, Bờ Biển Ngà hay Indonesia với sản lượng ca cao khô khoảng 200.000 tấn mỗi năm thì con số 3.500 nghìn tấn của Việt Nam là khá nhỏ bé. Tuy nhiên, với các nước sản lượng lớn thì hương vị lại không cao. Với hương vị không có quốc gia nào có được, ca cao Việt Nam tạo phân khúc riêng, hướng đến thị trường cao cấp.
Giá ca cao đang ở mức kỷ lục, nông dân phấn khởi, kéo theo nhu cầu mở rộng diện tích trồng loại cây này tăng cao. Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, muốn mở rộng diện tích, người trồng phải hiểu ca cao là cây công nghiệp, đòi hỏi quy mô lớn, đầu tư dài hạn và kỹ thuật bài bản. Nếu ồ ạt trồng theo phong trào khi giá tăng, không kiểm soát chất lượng, sẽ dẫn đến cung vượt cầu, mất giá trị.
Trên thực tế, nhiều nông sản của Việt Nam từng lâm cảnh này vì thiếu chiến lược dài hạn. Ca cao là nguyên liệu của chocolate và sản phẩm cao cấp phục vụ “con nhà giàu” với yêu cầu khắt khe, nên càng cần chú trọng kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc.
Việt Nam là 1 trong những quốc gia sản xuất ca cao với chất lượng là đứng top 10 của thế giới. Ca cao Việt Nam đi sau nhưng có thể về trước ở khu vực Đông Nam Á nếu ngành hàng này đi theo con đường phát triển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết bền vững và tập trung chế biến sâu để khai thác trọn giá trị trái ca cao thay vì đua nhau mở rộng diện tích một cách thiếu kiểm soát.
Người dân cần xem xét các yếu tố như điều kiện thổ nhưỡng... Việc phát triển diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây ra những hệ lụy không mong muốn. |