Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước: “Cánh tay nối dài” cho hàng Việt ra thế giới
Thưa bà, thời gian vừa qua, đâu là những điểm sáng về xuất khẩu, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu?
Thế giới trong những năm gần đây liên tục gặp những bất ổn, từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đến đại dịch Covid-19, và ngay tại thời điểm hiện nay là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Mặc dù, so với hầu hết các nước châu Âu khác, các nước Bắc Âu ít phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt của Nga, cũng như thương mại với Nga là không đáng kể, nhưng các nước này cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và các nước Bắc Âu không mấy khả quan và còn nhiều khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng khích lệ.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bắc Âu (trừ Phần Lan không tính vì không thuộc địa bàn Thương vụ Thụy Điển phụ trách) đạt 1,6 tỷ USD tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 1,1 tỷ USD, tăng 25,1%.
Do tình hình thế giới bất ổn, các nước bắt đầu có xu hướng chuyển dịch thương mại và đầu tư để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống. Trước đây, các nước Bắc Âu chưa đầu tư nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng đầu tư mới trong 6 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch vươn lên thứ ba trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Singapore và Hàn Quốc, với tổng vốn là 1,3 tỷ USD.
Trong bối cảnh hậu Covid 19, xu hướng thị trường Bắc Âu thay đổi ra sao, thưa bà?
Các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Các vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh và xu hướng chuyển sang sản xuất bền vững đang là chủ đề nóng trong các diễn đàn của khu vực Bắc Âu và cũng ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng người dân nơi đây. Người tiêu dùng Bắc Âu vốn đã quan tâm đến môi trường, sau đại dịch, vấn đề này càng được quan tâm nhiều hơn. Người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm được sản xuất qua các quy trình đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, các sản phẩm bền vững, và đánh giá tác động và lượng phát thải CO2 của các nhà máy sản xuất này ra môi trường. Đối với thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ.
Đối với các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, họ có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế... Nói chung, xu hướng sản phẩm xanh-sạch là xu hướng chung không chỉ ở các nước Bắc Âu mà còn cả các nước phát triển khác trên thế giới. Người tiêu dùng ngày càng để ý đến nhãn mác, các chứng nhận được in trên đó, hơn là chính bản thân sản phẩm. Người tiêu dùng Bắc Âu sẵn sàng trả cao hơn 20-50% cho các sản phẩm có chứng nhận bảo vệ môi trường hay trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững...
Một xu hướng nữa của người tiêu dùng Bắc Âu vốn có thu nhập cao nhất thế giới là các sản phẩm đặc sản, mới lạ, được quảng bá là có lợi cho sức khỏe. Các sản phẩm này thường được gắn với các câu chuyện về vùng, miền. Sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, được đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm, từ đó phát triển xuất khẩu với giá trị cao và ít cạnh tranh. Các nước Bắc Âu cũng có xu hướng giảm các sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường.
Việc phát triển các giải pháp đóng gói kháng khuẩn cho thực phẩm dễ hỏng dựa trên vật liệu nano tự nhiên, kết hợp việc sử dụng bao bì bền vững và giảm chất thải thực phẩm sẽ thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Hiện nay, các nước EU bắt đầu cấm sử dụng một số loại sản phẩm sử dụng 1 lần như thìa nhựa, cốc nhựa... nên các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường sẽ dễ dàng được đón nhận.
Trong bối cảnh đó, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả mà Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tổ chức cuối tháng 7 vừa qua mang lại cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Thụy Điển và các nước Bắc Âu?
Kinh tế thế giới trong những năm gần đây liên tục gặp những bất ổn. Thương mại toàn cầu ngày càng thay đổi nhanh chóng và có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước cạnh tranh giành thị trường thông qua đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do để được hưởng ưu đãi. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề khác ngoài hàng hoá và chất lượng của chúng, nên đã tạo ra những quy định, rào cản nhất định. Các doanh nghiệp cạnh tranh nhau thông qua đổi mới sản phẩm, đón đầu các xu hướng mới của người tiêu dùng.
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Thụy Điển (Ảnh: TTXVN) |
Trong bối cảnh thế giới luôn biến động không ngừng, thông tin nhanh và nhạy bén là chìa khoá thành công cho doanh nghiệp. Thương vụ chúng tôi, với phương châm “lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ”, đang hàng ngày nỗ lực để trở thành “ăng ten”, trở thành cánh tay nối dài ra thế giới, và trở thành đội phản ứng nhanh cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 29/7 vừa qua và sẽ được tổ chức định kỳ hàng tháng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua sự kiện này, thông tin cập nhật tại các thị trường trên toàn thế giới sẽ được truyền tải nhanh nhất đến Bộ trưởng, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để có các quyết sách phù hợp, kịp thời, và tận dụng từng cơ hội, dù nhỏ nhất, để khai thác các thị trường ngoài nước. Theo chiều ngược lại, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng biết đến hệ thống thương vụ nhiều hơn, tạo ra mạng lưới kết nối chặt chẽ, cùng thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư.
Tôi lấy ví dụ, nếu như trước đây, doanh nghiệp có vấn đề khẩn, Thương vụ ngay lập tức gửi công văn về Bộ, song quá trình xử lý qua nhiều công đoạn nên sẽ mất thời gian, đôi khi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nay, nếu có vấn đề gì phát sinh trong tháng, chúng tôi có thể trực tiếp xin ý kiến tại hội nghị giao ban, rút ngắn quá trình sự lý sự cố của doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp dự giao ban và có những chỉ đạo trực tiếp là việc rất có ý nghĩa, giúp rút ngắn thời gian xin ý kiến qua công văn.
Hoặc, nếu như trước đây, chúng tôi có Hội nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam hai năm tổ chức một lần. Hội nghị là dịp các thương vụ được gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, nhưng 2 năm qua, hội nghị đã bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Do đó, sáng kiến tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước hàng tháng theo hình thức trực tuyến sẽ là dịp để chúng tôi thường xuyên được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi nhau. Thậm chí, hoạt động này còn có thể giúp các thương vụ chia sẻ các cơ hội giao thương nhiều hơn cho doanh nghiệp ở nhiều thị trường.
Dự kiến thời gian tới, hội nghị sẽ được tổ chức hàng tháng. Theo bà, để nâng cao hiệu quả của hội nghị hơn nữa, cần giải pháp gì?
Để nâng cao hiệu quả của hội nghị hơn nữa, theo ý kiến cá nhân của tôi, hội nghị nên bổ sung thêm một số phiên thảo luận. Việc cung cấp thông tin chung của các thị trường, địa phương, hiệp hội nên được tổng hợp thành văn bản cung cấp cho các đại biểu trước để nghiên cứu và chỉ báo cáo tóm tắt, ngắn gọn tại hội trường. Thời gian hội nghị nên dành thêm cho việc thảo luận các vấn đề nổi bật; việc thay đổi chính sách của các nước có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp; xu hướng tiêu dùng mới; cơ hội đầu tư, kinh doanh tại địa bàn, các cảnh báo, khuyến cáo… Nói chung, cần ưu tiên thảo luận các vấn đề mới, các vấn đề cấp bách và các vấn đề cần được tháo gỡ để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, xem xét để có các cuộc họp giao ban theo chuyên đề: Ví dụ chuyên đề về 1 khu vực thị trường, hoặc một mặt hàng xuất khẩu cụ thể. Các hội nghị này có thể mời thêm các hiệp hội, doanh nghiệp các ngành nghề để trực tiếp lắng nghe các kiến nghị và ý kiến của doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là dịp thương vụ có thể chia sẻ trực tiếp về các thay đổi chính sách của thị trường.
Ngoài hội nghị kể trên, Cơ quan Thương vụ tại Thụy Điển sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong nước thời gian tới như thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại thương giữa hai nước, thưa bà?
Hiệp định EVFTA mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu sẽ khó hơn rất nhiều nếu so với các nước trong EU có dân số lớn và nằm ở vị trí trung tâm châu Âu.
Doanh nghiệp Việt Nam thường chọn đưa hàng vào thị trường Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu trung gian lớn tại Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, và Ba Lan. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại giữa hai nước, vấn đề đặt ra cho công tác phát triển thị trường Bắc Âu trong thời gian tới cần phải định hướng lại với cách tiếp cận mới.
Thị trường Bắc Âu xa và nhỏ, nên việc tập trung phát triển thị trường, tăng kim ngạch thông qua xuất khẩu trực tiếp như cách tiếp cận thông thường sẽ không mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới, ngoài tăng cường công tác thông tin thị trường cho doanh nghiệp, hiệp hội, và các địa phương, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong nước tập trung vào hai hoạt động:
Thứ nhất, quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường: Chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam.
Thứ hai, xuất khẩu tại chỗ: Các ngành kinh tế thế mạnh của các nước Bắc Âu bao gồm công nghiệp dược, công nghiệp chế biến thủy sản và thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo, môi trường và công nghệ xanh - sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng…
Tuy nhiên, do nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, cộng thêm nhân công cao nên các nước Bắc Âu phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, đồng thời ngày càng có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang các nước đang phát triển với chi phí nhân công thấp hơn. Nói chung là các ngành kinh tế thế mạnh của họ không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và nếu tận dụng được thế mạnh của nhau, các ngành kinh tế của Việt Nam và khu vực này có thể bổ trợ cho nhau.
Do vậy, với các thị trường nhỏ như Bắc Âu, nhưng lại có tiềm lực về kinh tế, có các thế mạnh về các ngành công nghiệp bổ trợ cho chúng ta, ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, chúng ta cũng nên tính đến việc xuất khẩu tại chỗ. Các tập đoàn bán lẻ của Bắc Âu hoạt động trên khắp thế giới về tất cả các lĩnh vực như: thực phẩm, đồ gia dụng, thủ công, mỹ nghệ... Nếu như doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được hàng cho các tập đoàn này, đồng nghĩa cung cấp hàng cho mạng lưới bán lẻ rộng khắp của họ.
Doanh nghiệp cần ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, thu hút các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu của các nước này về Việt Nam đầu tư sản xuất rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ. Khi đó, không chỉ tăng đầu tư, tăng thu mua nguyên liệu trong nước, tăng kim ngạch xuất khẩu sang các nước Bắc Âu, mà còn tăng xuất khẩu sang các nước khác.
Xin cảm ơn bà!