Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đến hôm nay đánh dấu cột mốc hai năm thực thi EVFTA, mặc dù bị tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song cộng đồng doanh nghiệp của cả Việt Nam và 27 quốc gia thành viên EU đã khai thác có hiệu quả các ưu đãi từ hiệp định mang lại.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU tăng mạnh sau 2 năm thực thi EVFTA |
Đánh giá từ cơ quan chức năng cho thấy, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Trong năm đầu tiên tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA tăng vọt lên mức 20,7% (trước đó 14,8%), trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như thuỷ sản là 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%, hàng dệt may 15,17%... Điều này cho thấy doanh nghiệp đã từng bước tận dụng hiệu quả các cam kết về thuế quan của Hiệp định EVFTA…
Có thể nói, với "chất xúc tác" từ EVFTA, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng rất tích cực. Trên đà tăng trưởng năm 2021, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.
Là một trong những ngành hàng đang tận dụng tốt EVFTA, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết: Mặc dù đến thời điểm này chưa có con số thống kê chính xác về kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sau hai năm thực thi EVFTA, xuất khẩu thủy sản sang EU đã tăng trưởng tốt. Điển hình với con tôm, tính tới cuối tháng 6/2022 xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 338 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khối EU, top 3 thị trường gồm Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng 58 - 91% nhập khẩu tôm Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay.
Với ngành hàng dệt may, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 chia sẻ: EVFTA đã có hiệu lực hai năm tác động rất tích cực đến các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu như May 10. Hiệp định mở ra cơ hội lớn để May 10 tăng thêm những thị phần và những khách hàng mới. Những năm trước dịch, May 10 luôn duy trì tỷ lệ xuất khẩu vào EU đạt mức 35%, khi thực thi EVFTA đã mở ra cánh cửa để May 10 tăng thêm mặt hàng và thị phần xuất khẩu vào thị trường này cao hơn nữa.
Còn ở ngành hàng nông sản, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh -cho hay: Các nước EU đã tăng lượng mua hàng hóa của Việt Nam lên rất nhiều, điều này giúp mức độ phổ biến hàng hóa của doanh nghiệp Việt tại EU ngày càng cao, người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng Việt. Hiện nay khoảng 90% sản lượng nông sản như cà phê, tiêu của công ty xuất khẩu qua các đối tác thương mại như Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Đức.. với sản lượng ngày càng tăng.
Cũng như nhiều ngành hàng khác, từ khi thực thi EVFTA hoạt động xuất khẩu gạo của Công ty TNHH VRICE ghi nhận tăng trưởng tốt hơn hơn khi được ưu đãi về thuế nhập khẩu. Cụ thể, trước khi có EVFTA mỗi năm công ty chỉ xuất 10.000 tấn sang thị trường EU. Nhưng sau hai năm thực thi EVFTA kim ngạch xuất khẩu đạt 12.000 tấn/năm với mức giá hơn 600 USD/tấn. Điều đáng mừng là các sản phẩm của công ty đều được người tiêu dùng châu Âu đón nhận, tạo động lực để công ty liên tục đổi mới hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng xanh, sạch. "Hơn nữa, do nhu cầu nhập khẩu lớn nên công ty đã mở rộng thêm quy mô sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu khách hàng"- ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE chia sẻ.
Riêng với ngành hàng lương thực, thực phẩm, ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) chia sẻ: Tròn 2 năm EVFTA có hiệu lực xuất khẩu hàng lương thực và thực phẩm qua EU đã dần cải thiện. Về cơ bản, doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cũng như tiêu chí mà thị trường này đưa ra. Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan rằng, cơ hội từ EVFTA rất nhiều song do dịch bệnh kéo dài suốt 2 năm nên chúng tôi chưa thể đánh giá được hết những áp lực của khối thị trường này.
Ông Dũng khuyến cáo: Có thể do dịch bệnh nên nhiều áp lực chưa bộc lộ rõ và thời gian tới nếu muốn tăng cường xuất khẩu vào khối EU thì doanh nghiệp phải nâng tầm hơn nữa chất lượng hàng hóa nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn xanh của thị trường này. "Thời gian vừa rồi tất cả các nước đều chống dịch và những hàng rào kỹ thuật cũng có phần dễ thở nhưng nay khi trở lại bình thường thì áp lực này có thể sẽ đặt ra cao hơn. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ bị các quốc gia có cùng ngành hàng cạnh tranh"- ông Dũng nói.
Theo các chuyên gia, hiện nay thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng đây cũng là những tiêu chí quan trọng mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đặc biệt chú trọng để duy trì và tăng trưởng cao hơn nữa xuất khẩu hàng hóa vào EU.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao những hỗ trợ của Bộ Công Thương, các Thương vụ tại nước ngoài... đã thực hiện rất tốt, mang lại hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, cung cấp thông tin, tập huấn thực thi EVFTA nói riêng và các FTA nói chung. Qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể nắm bắt nhanh, chính xác, áp dụng hiệu quả các cam kết thuế quan trong các FTA. Thời gian tới, doanh nghiệp mong tiếp tục nhận được sự sát cánh, đồng hành này của Bộ Công Thương để thúc đẩy xuất khẩu vào EU. |