Hòa Bình: 128 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn
Sau 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình đã có những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người dân. Toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 21 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu.
Người dân mua sắm tại siêu thị Tuấn Khánh, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (ảnh Đức Phượng – Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hòa Bình) |
Đáng chú ý, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại có những bước phát triển đáng kể, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Tỉnh Hòa Bình có 95 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I, 10 chợ hạng II và 84 chợ hạng III. Thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy mô, tính chất đầu tư theo quy hoạch và hỗ trợ vốn cho đầu tư, xây mới nâng cấp, cải tạo các chợ.
Đến nay, hầu hết các chợ là kiên cố hoặc bán kiên cố, các ki ốt trong chợ đã từng bước được đầu tư khang trang, sạch sẽ; nền chợ, giao thông trong chợ được bê tông cứng hóa, hệ thống thoát nước, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Mọi hoạt động quản lý chợ truyền thống đều do Ban quản lý hoặc Tổ quản lý thực hiện theo đúng quy định, góp phần duy trì trật tự kỷ cương đối với hoạt động mua bán.
Hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ, từng bước tiệm cận với văn minh thương mại... đáp ứng tốt nhu cầu mua bán hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời phát huy được vai trò là kênh phân phối bán buôn, bán lẻ chủ yếu của địa phương để đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng; giữ vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, đến nay, toàn tỉnh có 128/129 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, chiếm 99%.
Cùng với hệ thống chợ truyền thống, kênh phân phối hiện đại là hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện lợi, khu dịch vụ thương mại... cũng đang được đầu tư, phát triển mạnh trên địa bàn ở cả khu vực thành phố và nông thôn. Hiện có 3 trung tâm thương mại hạng III tại thành phố Hòa Bình và 7 siêu thị.
Hạ tầng thương mại phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 53.485 tỷ đồng, thực hiện 101,94% kế hoạch năm, tăng 20,27% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, trong tỉnh mới có 45 chợ nông thôn đạt chuẩn. Nhiều xã gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ theo kế hoạch nên tiến độ triển khai còn chậm so với nhu cầu.
Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ. Nhiều chợ tại khu vực nông thôn hiện đã xuống cấp, không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc triển khai chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cũng không đồng đều và chủ yếu là các chợ ở những khu vực đông dân cư, có lợi thế thương mại. Việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế.
Dự kiến thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí số 7, các địa phương tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, có cơ chế khuyến khích đối với các thành phần kinh tế, đồng thời huy động đóng góp của nhân dân để thực hiện đầu tư chợ nông thôn.
Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ; khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử…; tăng cường hỗ trợ vốn vay ưu đãi, liên kết thị trường và xúc tiến thương mại; huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.