Hệ thống cảnh báo sớm: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại
Doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn trước các vụ kiện
Thời gian gần đây, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp phải đối diện và ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá của nước ngoài. Đây được coi là điều tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế, đồng thời cho thấy năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phát triển.
Hệ thống cảnh báo sớm được coi là lá chắn bảo vệ hàng hóa của Việt Nam trước các vụ kiện phòng vệ thương mại từ nước ngoài |
Qua các vụ việc điều tra từ nước ngoài, theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp và hiệp hội bước đầu đã có kinh nghiệm, chủ động bố trí nguồn lực và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra. Các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được việc chỉ thông qua sự chuẩn bị đầy đủ và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, các doanh nghiệp mới có khả năng không bị áp thuế chống bán phá giá hoặc bị áp thuế với thuế suất không cao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với một số hạn chế khi bị nước ngoài điều tra bán phá giá. Trước hết là do nhiều doanh nghiệp chưa thể hiểu rõ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra chống bán phá giá. Mặt khác, nguồn lực trong ứng phó với các vụ việc điều tra cũng là một thách thức rất lớn đối với hầu hết doanh; đồng thời, các cơ quan điều tra thường có quy định chặt chẽ về thời hạn để các doanh nghiệp trả lời và cung cấp các thông tin phục vụ quá trình điều tra cũng là hạn chế mà doanh nghiệp phải đối diện.
Nhận diện những thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp trước các vụ việc về phòng vệ thương mại, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, luật sư, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật tình hình, thông tin các vụ việc phòng vệ thương mại nhằm cung cấp tới các Bên liên quan một cách nhanh chóng và chính xác.
Mặt khác, với tinh thần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại luôn theo sát, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc.
Phát huy "lá chắn" bảo vệ doanh nghiệp
Xác định phòng vệ thương mại là lĩnh vực phức tạp nhất trong thương mại quốc tế, ngày 1/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày về phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại".
Mục tiêu chung của Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại" là nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT ngày 5/8/2020 về Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”. Theo đó, các đơn vị chức năng của Bộ được yêu cầu tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm triển khai nhiệm vụ trong Quyết định đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả với trọng tâm chỉ đạo điều hành.
Hiện công tác thực hiện về cảnh báo sớm đối với nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường khác nhau đang được các đơn vị của Bộ Công Thương trong đó có Cục Phòng vệ thương mại duy trì, đẩy mạnh. Trong đó, doanh nghiệp quan tâm có thể thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách ngành hàng, sản phẩm và có các điều chỉnh xuất khẩu phù hợp để hạn chế bị kiện phòng vệ thương mại. Danh sách này được cập nhật thường xuyên trên trang web của Cục Phòng vệ thương mại.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, danh sách về các ngành hàng được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đang tích cực xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề, thương nhân khi xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường hợp tác với các cơ quan điều tra của các nước để đảm bảo các cuộc điều tra được tiến hành một cách công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của WTO nhằm giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại đang nỗ lực đưa các nội dung đào tạo, tập huấn về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước vào các chương trình, hoạt động của ngành Công Thương. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cơ quan quản lý về ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại; giúp doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó kịp thời hơn, hiệu quả hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. |