Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn
Tết Canh Tý 2020, ngoài việc phục vụ tại 70 điểm bán lẻ trong hệ thống, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) còn tổ chức 100 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn và tổ chức phiên chợ Việt tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Hapro - cho biết, tại hệ thống Hapro, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo… do doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất chiếm tỷ lệ khá lớn và cao hơn hẳn mọi năm. Hapro tiếp tục ưu tiên sử dụng các loại bánh, kẹo nội trong các giỏ quà Tết của mình.
Hiện, trên 90% hàng hóa bày bán tại hệ thống các siêu thị Big C, Co.opmart, VinMart… là sản phẩm Việt Nam; được đẩy mạnh quảng bá thông qua trưng bày theo những khu vực riêng, giá bán hợp lý. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hàng năm, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã khảo sát, tổ chức nhiều điểm bán hàng phục vụ người dân. Sản phẩm được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhóm hàng bình ổn giá…
Không dừng lại ở đó, chương trình còn cung ứng hàng hóa vào bếp ăn tập thể của các KCN, khu chế xuất, cụm công nghiệp, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người lao động, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh kết quả đạt được, những chuyến hàng Việt về nông thôn, KCN chủ yếu mang tính chất mùa vụ, diễn ra trong thời gian ngắn trước Tết. Nguyên nhân, một số DN bán lẻ chưa mặn mà với việc đưa hàng Việt về nông thôn, KCN, dù đây là dư địa lớn cho DN khai thác. Hơn nữa, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn hầu như không có lãi, do đó ít DN bán lẻ, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia.
Để khắc phục tình trạng này, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với những đơn vị liên quan tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, đề xuất cấp thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho DN tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới… Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư KCN tạo điều kiện bố trí, giới thiệu địa điểm phát triển mạng lưới bán lẻ cố định...
Sở cũng tham mưu để thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho DN duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng; kiến nghị Bộ Công Thương tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, giúp DN thiết lập điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương hỗ trợ thủ tục hành chính, mặt bằng kinh doanh; đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa...
Trong giai đoạn 2009-2019, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán, 29 tuần hàng Việt, 254 phiên chợ Việt và khoảng 3.200 chuyến bán hàng lưu động. Riêng dịp Tết Canh Tý 2020, đã có 9 phiên chợ Việt được tổ chức; 250 chuyến bán hàng lưu động, hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết… |