Hà Tĩnh: Hàng loạt dự án “rùa bò”, có dễ thu hồi? Hà Tĩnh: Sản xuất công nghiệp khởi sắc những tháng cuối năm |
20/23 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động
Gần 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất. Theo ngành Công Thương Hà Tĩnh, hiện nay, dù chỉ chiếm 33,2% trong cơ cấu kinh tế nhưng ngành công nghiệp đang đóng vai trò chủ lực vào sự phát triển của Hà Tĩnh.
Công trình hạ tầng giao thông kết nối trong và ngoài hàng rào CCN Cổng Khánh ở TX .Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đang chậm tiến độ |
Để cụm công nghiệp thực hiện được mục tiêu về phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, đồng thời, thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, tính đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 23 cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 614,1 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 440,21 ha. Đến nay, diện tích đất công nghiệp đã cho các đơn vị đầu tư hạ tầng thuê là hơn 383 ha, đạt tỷ lệ hơn 87%.
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, với sự nỗ lực từ Chính quyền, địa phương này đã tập trung kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, dự án sản xuất kinh doanh vào các cụm công nghiệp để tăng tỉ lệ lấp đầy. Hiện nay, có 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là hơn 403 ha.
Nếu tính đất công nghiệp đã cho các dự án thứ cấp thuê, gồm các dự án sản xuất thuê trực tiếp UBND tỉnh Hà Tĩnh và dự án thuê lại của nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thì các cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy 56,02% với diện tích 225,74 ha.
Theo đó, có 348 dự án đã đầu tư vào các cụm công nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 5.738 tỷ đồng. Tổng số lao động làm việc trong các cụm công nghiệp hiện nay gần 8.500 người.
Trong đó, một số cụm tỷ lệ “lấp đầy” cao như: cụm công nghiệp Thạch Kim (95%), Nam Hồng (82%), Bắc Cẩm Xuyên (76,2%)… Theo đánh giá, các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đã góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Được biết, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, toàn tỉnh có 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.892 ha. Sau năm 2030, quy hoạch mở rộng các cụm công nghiệp lên với tổng diện tích gần 2.250 ha.
Việc quy hoạch, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đã mang lại những lợi ích lớn lao về mặt kinh tế - xã hội đối với tỉnh Hà Tĩnh. Các cụm công nghiệp góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm các ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn, dự án lớn mà địa phương này đã và đang thu hút vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Qua đó, khai thác tiềm năng của các vùng miền, các địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hạ tầng ở các cụm công nghiệp về cơ bản đang thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khu vực dân cư cận kề.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo báo cáo từ Sở Công Thương Hà Tĩnh, địa phương này có 20/23 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Thế nhưng, cho đến nay cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống xử lý môi trường của không ít cụm công nghiệp nơi bị thiếu, nơi đã xuống cấp trầm trọng, khó phát huy được hiệu quả sản xuất kinh doanh như mong đợi.
Giải thích cho thực trạng trên, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh cho rằng: "Việc quy hoạch, phát triển khu, cụm công nghiệp được nhiều nơi xem là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tuy nhiên quá trình thực hiện, kêu gọi đầu tư cũng bộc lộ hạn chế nhất định. Thực tế rõ nhất tại các khu, cụm công nghiệp, việc quy hoạch vẫn còn dàn trải, chỉ chú trọng về số lượng, chưa gắn với phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật...dẫn đến nhiều bất cập".
Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh được đầu tư xây dựng tại CCN Cổng Khánh 2, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh từ năm 2019 với tổng mức đầu tư khoảng 1.250 tỷ đồng |
Trong đó, tại dự án hạ tầng giao thông kết nối trong và ngoài hàng rào Cụm Công nghiệp Cổng Khánh 1 tại phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh, chậm tiến độ thi công; một số cụm công nghiệp có vị trí không thuận tiện, quy mô quá nhỏ, ngành nghề đầu tư chưa đa dạng, nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng không lớn như cơ khí, gỗ, mộc… Đơn cử như cụm công nghiệp Yên Huy (huyện Can Lộc), Kỳ Hưng (TX Kỳ Anh)…
Thời gian qua, một số cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh vẫn chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định do việc huy động nguồn vốn hạn chế, hầu hết doanh nghiệp vào đầu tư phải ứng trước kinh phí để giải phóng mặt bằng (được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm), và đây vẫn là rào cản lớn đối với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư…Vị này cho biết thêm.
Để khai thác hiệu quả, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, thời gian qua Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách, trong đó khuyến khích xã hội hóa đầu tư hạ tầng, tích cực quảng bá, kêu gọi đầu tư. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư khu, cụm công nghiệp đã từng bước khắc phục được tình trạng hạ tầng thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường…
Được biết, vào năm 2021 trong phương án điều chỉnh phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hà Tĩnh tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào 13 cụm công nghiệp do địa phương quản lý; đảm bảo điều kiện về hệ thống xử lý nước thải, các yêu cầu về môi trường khi phát triển cụm công nghiệp. Với 10 cụm công nghiệp đã thu hút các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng và sản xuất kinh doanh; đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cụm này.
Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung liên quan đến phát triển cụm công nghiệp. Xu hướng thời gian tới là tiếp tục tăng cường xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại các cụm công nghiệp.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh đang giao cho Sở tiến hành rà soát, đánh giá lại phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó lưu ý đến vị trí, quy mô, ngành nghề của từng cụm, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp khi được thành lập, mở rộng nhằm tạo thu nhập, việc làm cho lao động địa phương.
“Cần tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương, nhất là tỉnh có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp như đường nội bộ, đường gom trong cụm công nghiệp, các công trình xử lý nước thải tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh...", ông Quảng nhấn mạnh.