TP. Hồ Chí Minh: Phát triển khu công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh
Nỗ lực khơi thông dòng vốn đầu tư FDI
Theo ông Lê Văn Thinh - Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đạt khoảng 135 triệu USD, tương đương gần 23% kế hoạch cả năm và giảm 34% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh tới 90%, trong khi vốn đầu tư trong nước lại tăng trưởng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển 14 khu công nghiệp mới, hướng đến phát triển xanh và công nghệ cao. Ảnh minh họa |
Việc sụt giảm sâu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đặt ra nhiều lo ngại khi thành phố đang trong giai đoạn chuyển mình, đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao để phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo và xanh hóa.
Lý giải về nguyên nhân FDI sụt giảm mạnh, ông Lê Văn Thinh cho biết: Nguyên nhân chính do bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng từ xung đột vũ trang, căng thẳng thương mại kéo dài, xu hướng dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như chính sách bảo hộ gia tăng.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư từ các địa phương khác, trong khi vẫn còn nhiều vướng mắc nội tại như quỹ đất khu công nghiệp hạn chế, chi phí hạ tầng cao khiến nhà đầu tư e ngại.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Lê Văn Thinh cho biết, Hepza xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước; ưu tiên dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và thân thiện môi trường; triển khai cơ chế đầu tư đặc biệt theo Điều 36a Luật Đầu tư sửa đổi năm 2024; rà soát và khai thác hiệu quả 150 ha đất công nghiệp hiện hữu. Đồng thời, chuẩn bị mở rộng thêm 900-1.000 ha trong 2-3 năm tới; tái cơ cấu ngành nghề trong các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, Hepza cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, theo dõi sát tiến độ 4 dự án hạ tầng thứ cấp có tổng vốn đầu tư ước tính 2 tỷ USD và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, đề xuất chính sách mới nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư.
Cần thiết phát triển các khu công nghiệp mới gắn với tăng trưởng xanh
Đáng chú ý, ngày 9/5, Hepza phối hợp UBND huyện Bình Chánh tổ chức “Hội nghị công bố quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ đầu tư phát triển thêm 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.833 ha.
Trong đó, giai đoạn 2025 - 2027 sẽ triển khai 4 khu công nghiệp, gồm: Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, Vĩnh Lộc 3 và Nhị Xuân. Giai đoạn 2027 - 2030 đầu tư 5 khu công nghiệp: An Phú, Trung An, Lê Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III và Hiệp Phước 3. Giai đoạn 2030 - 2033 phát triển thêm 5 khu, gồm: Tân Phú Trung 2, 3, 4 và Bình Khánh 1, 2.
Cùng với định hướng mở rộng các khu công nghiệp mới, TP. Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp thí điểm chuyển đổi 5 khu công nghiệp - khu chế xuất hiện hữu, gồm: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu và Hiệp Phước theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, kết hợp khu đô thị - dịch vụ hoặc trung tâm logistics. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình nâng chất không gian sản xuất, thay thế mô hình công nghiệp thâm dụng lao động, tiêu tốn tài nguyên bằng công nghiệp sạch, tạo giá trị gia tăng cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bổ sung thêm 14 khu công nghiệp mới được xem là giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, thu hút đầu tư và định hình các ngành công nghiệp chủ lực trong giai đoạn mới, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao về quy hoạch tổng thể.
Đồng thời cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng triển khai các khu công nghiệp mới theo hướng chuyên đề như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, logistics và tuần hoàn. Cùng với đó, tận dụng tối đa cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để rút gọn thủ tục, phân cấp ủy quyền, tăng tính chủ động cho các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước áp lực lớn về phát triển công nghiệp trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp, suất đầu tư cao và nhiều vướng mắc pháp lý. Do đó, việc bổ sung thêm các khu công nghiệp mới là giải pháp thiết thực để mở rộng sản xuất, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, quy hoạch mới cần gắn với chiến lược phát triển ngành nghề cụ thể. Trong đó, phải xác định rõ từng khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo hay logistics, tránh tình trạng xin, cho đất nhưng sử dụng không hiệu quả.
Trong khi đó, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn đề xuất TP. Hồ Chí Minh cần tính toán đồng bộ về hạ tầng và lồng ghép tiêu chí phát triển công nghiệp xanh, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động môi trường và bắt kịp xu thế toàn cầu.
Việc phát triển đồng thời các khu công nghiệp mới và chuyển đổi mô hình khu hiện hữu được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với định hướng kinh tế xanh, công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng bền vững trong tương lai. |