Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại hội nghị |
Hội nghị là một trong chuỗi hoạt động nhằm tăng cường liên kết hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về xúc tiến thương mại nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, hội nghị nhằm mục tiêu tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản thực phẩm của Hà Nội và 2 tỉnh trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu thị trường, thỏa thuận liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Bá Bằng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, thành phố hiện có trên 9,5 triệu người, lương thực, thực phẩm sản xuất tại chỗ chỉ cung cấp được: 52% nhu cầu thịt các loại; 64% cá; 65% trứng gia cầm; 20% sữa; 44% gạo tẻ; 55% rau củ tươi và 17% quả tươi. Số lượng lương thực, thực phẩm phải nhập từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô ước khoảng 372 nghìn tấn thịt các loại; 112 nghìn tấn cá; 138 nghìn tấn sữa; 445 nghìn tấn rau củ tươi…
Cùng với đó, 80% sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối, sau đó đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể. Lượng nông sản có chứng nhận được tiêu thụ qua kênh siêu thị chỉ chiếm khoảng 20%. “Nhu cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố còn rất lớn, nhất là với nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Bằng nói.
Bày tỏ mong muốn hợp tác đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang “chắc chân” trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đề xuất: Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Long cần xây dựng chuỗi liên kết ngắn hạn và dài hạn tại Hà Nội. Chuỗi liên kết ngắn hạn là các chương trình hội thảo làm cầu nối cho các doanh nghiệp tiếp xúc; dài hạn là cơ quan chức năng của Hà Nội giúp các địa phương có địa điểm giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp hai tỉnh mang hàng hóa, trưng bày và trực tiếp bán sản phẩm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho hay: Trong sản xuất nông nghiệp nếu không có liên kết sẽ không tiêu thụ được. Tuy nhiên, liên kết thế nào để có thể đưa trực tiếp sản phẩm đúng chủng loại, đúng nguồn gốc ra thị trường Hà Nội tránh tình trạng “hiểu nhầm” cho người tiêu dùng.
Ông Liêm cũng cho hay: Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, đất đai phì nhiều, ít bị xâm nhập mặn thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp. Những năm qua tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, chính sách phát triển ngành này, nhiều diện tích cây, con kém hiệu quả, chất lượng không cao đã được chuyển dịch. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh như: Vùng chuyên canh xà lách xoong, diện tích 100 ha; vùng chuyên canh khoai lang Bình Tân, diện tích 5.500 ha; vùng chuyên canh bưởi Năm Roi, diện tích 2.033 ha… “Chúng tôi mong muốn, hội nghị kết nối ngày hôm nay sẽ là tiền đề cho hợp tác lâu dài giữa Hà Nội với Vĩnh Long sau này”, ông Liêm nói.
Được biết, năm 2016 Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức Tuần lễ nông sản đặc sản nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng thành phố sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của các địa phương trên cả nước. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng dự kiến tham mưu với UBND thành phố xây dựng rào cản kỹ thuật trong ngành nông nghiệp để đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm nông sản khi đưa ra thị trường.