Hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ
Tham dự chương trình có Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh/thành phố; các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, đơn vị chủ trì Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức và các diễn biến khó lường, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Bộ, sự phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan và hệ thống các tổ chức xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương, với những đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động xúc tiến thương mại đã hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc kết nối, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước.
Chiều 30/12, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xúc tiến thương mại năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025. Ảnh: Đỗ Nga |
Theo đó, hoạt động xúc tiến thương mại đã được đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ thông qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, chủ động bắt nhịp với xu thế chuyển đổi xanh và bền vững.
Đặc biệt, hàng trăm sự kiện xúc tiến thương mại cấp quốc tế, quốc gia và cấp vùng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã được tổ chức ở trong nước và trên khắp thị trường xuất khẩu trọng điểm, các thị trường có FTA thế hệ mới, thị trường tiềm năng.
Góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá thương hiệu, tăng cường thu hút đầu tư
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024 đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia và hưởng lợi; tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các sự kiện thương mại quốc tế đạt gần 100 triệu USD; doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng, thu hút gần 100.000 lượt khách tham quan, mua sắm.
Xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước được chú trọng. Các hội chợ, triển lãm quốc tế ở trong nước mang tầm quốc gia được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp đã giúp đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, quảng bá các thương hiệu cũng như tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp, thương mại của Việt Nam.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh” đã công nhận 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự đồng hành của các cơ quan chính phủ, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023 theo báo cáo của tổ chức định giá thương hiệu Brand Finance.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... đã mang lại hiệu quả cộng hưởng tác động tích cực lẫn nhau giữa các lĩnh vực xúc tiến. Tiêu biểu như Lễ hội trái cây được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tạo ra tiếng vang lớn và hiệu ứng rất tích cực trên thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của nước ta.
Đồng thời, các diễn đàn thương mại và đầu tư được tổ chức trong khuôn khổ những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã tạo được hiệu quả cao cho hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.
Tại hội nghị, đại diện khách mời tham dự cũng trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối với các đơn vị trong mạng lưới xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới. |