Thiếu nhân lực kiểm kê khí nhà kính, gần 1.700 doanh nghiệp sản xuất gặp khó Gần 200 doanh nghiệp tham gia tập huấn kiểm kê khí nhà kính trong quản lý chất thải |
Đây là lần đầu tiên Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức một hội thảo nhằm mục tiêu tuyên truyền, cập nhật các quy định của pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện báo cáo, kiểm kê khí nhà kính.
Hội thảo với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra Hà Nội) cùng trên 100 doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: "Hà Nội hiện có 9 Khu công nghiệp và khu chế xuất với tổng số hơn 700 doanh nghiệp, tuy nhiên trong chương trình tập huấn này chúng tôi cũng mở rộng mời cả doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất cùng tham gia".
Hội thảo nhằm mục đích tuyên truyền các quy định về biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính và tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đối khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26) tại Vương Quốc Anh, lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đồng thời cam kết giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030.
Ngay từ năm 2012, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
“Muc tiêu của chúng tôi là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính. Qua đó, hướng dẫn các doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính”- ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Là một trong những đơn vị tư vấn, trong những năm qua, Công ty TNHH Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất – Môi trường Mecie (gọi tắt Mecie Việt Nam) đã đã phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các trường đại học để phát triển các phương pháp tính toán kiểm kê khí nhà kính, xây dựng cách thức hoàn thiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính dành cho các ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong cả nước.
Ông Dương Quỳnh Thái – Phó Giám đốc Công ty Mecie Việt Nam cho biết, tại hội thảo lần này, chúng tôi hướng dẫn các doanh nghiệp về phương pháp, cách thức xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, phương pháp tính toán online nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đơn giản hoá cách thức thực hiện và rút ngắn thời gian tính toán lượng phát thải khí nhà kính tại cơ sở đảm bảo theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ông Nguyễn Hùng Minh - Cục BĐKH trình bày các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 liên quan đến biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính |
TS. Nguyễn Hùng Minh - Giám đốc Trung tâm ứng phó Biến đối khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu cho biết, hiện cả nước có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 1.662 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, còn lại thuộc các Bộ: Bộ Giao thông vận tải (70 doanh nghiệp), Bộ Xây dựng (104 doanh nghiệp) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (76 doanh nghiệp). Danh mục các cơ sở phải báo cáo kiểm kê được cập nhật 2 năm/lần, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cập nhật để ban hành Danh mục mới vào năm 2024”.
“Theo quy định, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31 tháng 3 năm 2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025. Các doanh nghiệp có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục”- TS. Nguyễn Hùng Minh cho biết.
Tại hội thảo, đại diện Kotra Hà Nội, bà Vũ Bích Ngọc đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, mô hình về Tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải khí nhà kính trên thế giới và Việt Nam trong các lĩnh vực: Dệt nhuộm; năng lượng tái tạo thông qua lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng; thu hồi và giảm thiểu khí mê-tan từ các dự án xử lý nước thải công nghiệp…
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, hơn 100 doanh nghiệp đã được thực hành tính toán lượng phát thải khí nhà kính online, trong quá trình thực hành, các chuyên gia cũng đã trao đổi, giải đáp các vướng mắc, những vấn đề trong quá trình thực hiện báo cáo, kiểm kê mà doanh nghiệp gặp phải.
Hà Nội hiện có 83 doanh nghiệp nằm trong Danh mục của Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 61 doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc các loại hình: sản xuất điện tử, luyện kim, năng lượng, sản xuất giấy/bột giấy, dệt may, cơ khí, phụ tùng xe, nhựa... |