Hà Nội: Chợ truyền thống bị lãng quên - Bài 2: Giải pháp nào để phát triển?
Hệ thống chợ dân sinh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân |
Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, tổng số chợ được đầu tư và cải tạo trên địa bàn giai đoạn 2011- 2016 gồm: Xây dựng mới 43 chợ; xây dựng lại 16 chợ; cải tạo nâng cấp 95 chợ với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Lê Hồng Thăng- Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - công tác thu hút kêu gọi đầu tư còn hạn chế; hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn một số quận và khu đô thị mới còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn... Phần lớn các chợ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2016 là chợ hạng 3 khu vực nông thôn…
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Thăng cho hay, tình hình kinh tế khó khăn dẫn tới khó kêu gọi XHH đầu tư các chợ. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp lý của các cơ quan Trung ương ban hành liên quan đến chợ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp, như: Chuyển đổi mô hình quản lý chợ, việc sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng, cải tạo chợ… Cụ thể, theo quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo quyết định số 40/2015/QĐ-TTG ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước chỉ bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không có khả năng XHH thuộc lĩnh vực thương mại là các dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối… ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Như vậy, các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội không thuộc đối tượng nêu trên.
Bên cạnh đó, một số sở, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về những lĩnh vực liên quan trong công tác đầu tư xây dựng, cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh chợ… dẫn đến UBND các quận, huyện, thị xã lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp, thu hút các thành phần kinh tế tham gia.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực chợ, ông Lê Hồng Thăng kiến nghị UBND thành phố xem xét, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư vào Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục I, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ “Đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ truyền thống dân sinh” được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 15, Luật Đầu tư và hỗ trợ đầu tư tại Điều 19, Luật Đầu tư.
Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Điều 3, Mục I, ban hành kèm theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, ngành, lĩnh vực thương mại “Đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại vùng nông thôn” được bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách.
Trước những khó khăn nêu trên, bà Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hà Nội - kiến nghị: UBND thành phố sớm triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cho đầu tư, cải tạo, khai thác kinh doanh chợ thông qua phương thức hợp tác công - tư (PPP). Trong trường hợp các chợ trước đây được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nay đã xuống cấp nghiêm cấp nghiêm trọng không bảo đảm hoạt động mà không kêu gọi XHH được thì báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo.
Theo các chuyên gia, việc duy trì, phát triển chợ truyền thống là cần thiết, song cần nghiên cứu kỹ cung- cầu theo xu thế hiện nay để đầu tư cho trúng và hiệu quả. Tránh để xảy ra tình trạng thừa ki ốt trong chợ mà vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán. |