“Giữ lửa” cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP
Sau gần 4 năm triển khai, đến nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã có những tácđộng tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn. “Giữ lửa” cho Chương trình OCOP là nhiệm vụ được đặt ra cho giai đoạn tới.
Gần 8.000 sản phẩm OCOP được gắn sao
Đến nay, cả nước đã có 7.463 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó, 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao, 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao; hơn 4.061 chủ thể OCOP, trong đó 38,7% HTX, 25,9% doanh nghiệp, 33,1% cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP |
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng miền.
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Đáng chú ý, chương trình đã thúc đẩy hướng phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế. Đến nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền với xây dựng nông thôn mới, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai hiệu quả và thành công.
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương - đánh giá, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai khá đồng bộ ở tất cả các địa phương với nhiều điểm sáng. Phát triển sản phẩm có thể kể tới nhiều tỉnh điển hình như: Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Gia Lai, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre. Về hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều địa phương có nhiều hoạt động sáng tạo, nổi trội như: Quảng Ninh với hội chợ OCOP thường niên hay Hà Nội với hội chợ đặc sản, OCOP vùng miền…
Phát huy kết quả đạt được
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025. Về chủ trương chung, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Để Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tiếp tục lan tỏa, phát huy kết quả đạt được, ông Phương Đình Anh cho rằng, về quan điểm, phải quán triệt và xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng gắn với xây dựng nông thôn. Cần tăng cường vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách của nhà nước, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Nâng cao giá trị về văn hóa, từng bước hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị, đặc biệt là xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, để nâng cao hình ảnh sản phẩm, nâng cao hàm lượng về giá trị văn hóa đối với sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh nâng cao vai trò chủ thể, sự chủ động của người dân, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đặc biệt là vùng miền núi, khó khăn.
Cần xây dựng các giải pháp hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, tổ chức đồng bộ và thường niên, trở thành sự kiện để quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kết nối cung - cầu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử, nhằm tạo sự lan tỏa của sản phẩm OCOP trên thị trường. |