Giải bài toán giá thành vật tư nông nghiệp với sản xuất hữu cơ
Sản xuất hữu cơ đáp ứng xu thế toàn cầu
Thời gian qua, giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… liên tục tăng cao với mức tăng phổ biến từ 15-30%, thậm chí có loại tăng đến 100% khiến người nông dân, nhất là những người đang canh tác, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả gặp khó khăn.
Kinh nghiệm từ thực tiễn, đại diện Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc cho rằng, muốn giải được bài toán chi phí cho người nông dân thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương pháp tối ưu nhất hiện. “Sản xuất hữu cơ sẽ giúp nông dân giải được bài toán vừa giảm chi phí, tăng lợi nhuận lại vừa đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”- vị đại diện này cho biết.
Lý giải việc sản xuất hữu cơ có thể tiết kiệm chi phí, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho biết, với tiêu chuẩn “5 không” gồm không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích sinh trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại nên người dân sẽ không phải bỏ chi phí mua vật tư phân bón.
Chưa kể, nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ đang là xu hướng toàn cầu bởi hiện nay người tiêu dùng nông sản đã nhận thức được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy họ có xu hướng lựa chọn và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đây sẽ là cơ hội cho các sản phẩm hữu cơ tìm được “đất sống” và người nông dân cần nhanh chóng thay đổi mô hình sản xuất, hướng theo quy trình này.
Cụ thể, ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng)- cho biết: Một khảo sát thị trường mới đây của huyện Lạc Dương cho thấy người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác sẵn sàng chi số tiền nhiều hơn hiện nay để sử dụng nông sản hữu cơ và các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu hữu cơ.
Từ đó, Lạc Dương xác định đi theo định hướng mới là nông nghiệp hữu cơ, cân bằng giữa sản lượng và chất lượng. So với cuối năm 2020, vùng nông sản này có diện tích nông sản sản xuất theo chuẩn hữu cơ tăng gấp 12 lần.
“Chúng tôi kết hợp nông dân với nhà cung ứng, phân phối thông qua nền tảng công nghệ để mỗi sản phẩm hữu cơ đều có đầu ra tốt”- ông Hoài cho biết thêm.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của huyện Lạc Dương được trưng bày tại Trung tâm gioi thiệu sản phẩm OCOP - Lạc Dương |
Gỡ vướng mắc để sản xuất hữu cơ được nhân rộng
Có thể thấy, việc phát triển sản xuất hữu cơ là giải pháp hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và được nhiều địa phương, doanh nghiệp trên cả nước đầu tư. Tuy vậy thực tế triển khai vẫn đang gặp phải không ít thách thức. Chia sẻ tại hội thảo “Nông nghiệp hữu cơ - Nông nghiệp thông minh” tổ chức mới đây, Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho hay: Tỉnh này đang thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2025 và qua 2 năm đầu thực hiện mới có hơn 1.200 ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ.
Lý giải nguyên nhân nhiều hộ dân chưa tích cực tham gia vào mô hình, nhiều ý kiến cho biết do việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn đang vướng phải không ít thách thức như: Phát triển thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, giá cả, sức cạnh tranh của sản phẩm… Đó là chưa kể, quy trình sản xuất hữu cơ cũng phải tuân thủ nguyên tắc vàng “5 không”. Cũng do quy trình nghiêm ngặt nên người nông dân cảm thấy khó áp dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện mới chỉ đạt chứng nhận của Việt Nam chứ chưa được quốc tế công nhận, cũng gây khó cho doanh nghiệp khi xuất khẩu.
Trước thách thức này, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho việc chế biến phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh vật tại chỗ của doanh nghiệp khi có nhu cầu nhằm giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra cũng cần hỗ trợ chi phí đào tạo - tập huấn, sản xuất, giống; hỗ trợ thuê đất dài hạn, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ quảng bá sản phẩm… cho các doanh nghiệp hữu cơ.
TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (ngoài cùng bên phải) trao tặng “Quy trình độc quyền canh tác cà phê Arabica hữu cơ vùng núi Langbiang” cho huyện Lạc Dương. |
Liên quan đến vấn đề trên, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Xác định nông nghiệp hữu cơ là xu thế toàn cầu và tỉnh sẽ thông qua Sở Nông nghiệp chỉ đạo tối đến các địa phương phát triển nông nghiệp nói chung, cà phê Arabica nói riêng qua việc hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận hữu cơ… cho nông dân.
Theo đó, khu vực nông nghiệp dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương) đã trở thành vùng đầu tiên được tỉnh Lâm Đồng chọn để triển khai thành vùng nông nghiệp hữu cơ. So với cuối năm 2020, vùng nông sản này có diện tích nông sản sản xuất theo chuẩn hữu cơ tăng gấp 12 lần.
Cũng theo TS Phạm S, với mong muốn được nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ có chi phí thấp đến bà nông dân, đặc biệt là bà con dân tộc, ngày 15/6/2022 ông đã trao tặng “Quy trình độc quyền canh tác cà phê Arabica hữu cơ vùng núi Langbiang” cho huyện Lạc Dương. Đây là công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân TS Phạm S được thực hiện trong 5 năm, đã được đăng ký bản quyền toàn cầu và lần đầu tiên được trao cho tập thể toàn quyền sử dụng thương hiệu này.
“Tôi kỳ vọng nếu công trình này được nhân rộng và triển khai hiệu quả thì cây cà phê Arabica của vùng Langbiang sẽ được nhận diện là sản phẩm hữu cơ toàn cầu. Khẳng định vị thế mới cho sản phẩm cà phê Việt Nam với người tiêu dùng thế giới, từ đó dễ dàng tiếp cận được những thị trường xuất khẩu có tiêu chuẩn cao như Châu Âu”- TS Phạm S cho biết thêm.