Giá gạo xuất khẩu thế giới vọt tăng sau động thái áp thuế gạo đồ của Ấn Độ
Cuối tuần trước, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu tiếp tục có những động thái mới trong việc hạn chế xuất khẩu gạo. Cụ thể, ngày 25/8, Ấn Độ đã thông báo áp dụng mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ đến ngày 16/10/2023. Tuy nhiên, đối với loại gạo này, Ấn Độ cho biết sẽ thực hiện biện pháp cứu trợ cho các trường hợp cụ thể. Các lô gạo đồ đang nằm tại cảng hải quan không có phê duyệt "lệnh xuất khẩu" (LEO) và được hỗ trợ bởi "thư tín dụng" (LC) hợp lệ nhưng được phát hành trước ngày 25/8/2023 sẽ được miễn thuế xuất khẩu này.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 27/8, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định không cho phép xuất khẩu gạo basmati dưới 1.200 USD/tấn để hạn chế khả năng vận chuyển “bất hợp pháp” gạo non-basmati trắng dưới vỏ bọc gạo basmati cao cấp. Các hợp đồng hiện tại có giá dưới 1.200 USD/tấn vẫn bị hủy bỏ. Một ủy ban dưới sự chủ trì của APEDA sẽ được thành lập để đánh giá các hành động trong tương lai.
Giá gạo toàn cầu biến động mạnh |
Những thông tin trên ngay khi có hiệu lực đã tác động lên giá gạo toàn cầu. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chốt phiên giao dịch đầu tuần này (28/8), giá gạo xuất khẩu của 3 quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan, Pakistan đã được điều chỉnh tăng từ 2-10 USD/tấn.
Trong đó, gạo của Pakistan điều chỉnh tăng mạnh nhất ở mức 10 USD/tấn và hiện có giá 608 USD/tấn với gạo 5% tấm (tăng 10 USD); 533 USD/tấn với gạo 25% tấm (tăng 5 USD).
Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng được điều chỉnh tăng 5 USD/tấn với cả 2 chủng loại 5% và 25% tấm. Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 643 USD/tấn và 25% tấm ở mức 628 USD/tấn.
Riêng gạo của Thái Lan điều chỉnh trái chiều khi tăng 2 USD/tấn cho gạo 5% tấm nhưng lại giảm 2 USD/tấn với gạo 25% tấm. Như vậy giá các loại gạo của Thái Lan hiện lần lượt là 630 USD/tấn và 563 USD/tấn.
Với mức điều chỉnh hôm nay, giá gạo của Việt Nam tiếp tục đứng nhất thế giới khi cao hơn Thái Lan 13 USD/tấn và Pakistan 35 USD/tấn. Đây cũng là những mức giá cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử vào năm 2008 đến nay.
Mặc dù giá gạo tăng cao song theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới và cũng tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng. Lý do được các doanh nghiệp cho biết, giá lúa gạo tại nội địa hiện đang rất cao và nếu thu mua với giá hiện tại doanh nghiệp sẽ thua lỗ.
“Với giá gạo nội địa như hiện nay thì doanh nghiệp xuất khẩu phải chào bán được với giá thấp nhất phải đạt 670 USD/tấn mới không lỗ. Nhưng mức giá này thì khách không chịu mua. Điều người ta sợ nhất chính là không biết Ấn Độ khi nào bỏ chính sách cấm xuất khẩu. Nếu bây giờ ký giá cao thì khả năng sẽ lỗ nặng", ông Bình giải thích và cho biết thêm, hiện doanh nghiệp đã đàm phán dời lại đơn hàng 20.000 tấn sang vụ Đông xuân, bởi với giá như hiện nay giao hàng thì lỗ mà bán mới không được.
Thực tế, tại thị trường nội địa, theo các thống kê của VFA, giá lúa gạo cũng được điều chỉnh tăng từ 136-313 đồng/kg trong tuần trước. Theo đó, giá lúa thường tại ruộng hiện được mua cao nhất ở mức 8.050 đồng/kg, lúa thường tại kho có giá 9.750 đồng/kg. Gạo 5% tấm xuất khẩu cũng tăng lên mức 14.800 đồng/kg và gạo 25% tấm ở mức 14.400 đồng/kg.
Đáng chú ý, ngay trong ngày đầu tuần này, giá lúa tại một số địa phương cũng được điều chỉnh tăng thêm 200 đồng/kg. Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, lúa Đài thơm 8 dao dộng từ 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 18 được điều chỉnh lên mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Các giống lúa còn lại dù không tăng nhưng vẫn neo ở mức cao gồm: Lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết hết ngày 15/8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,35 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 2,88 tỷ USD, tăng mạnh 22% về lượng và tăng 35% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai, đã tăng mạnh hơn 60% so với giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một loạt thị trường ghi nhận mức tăng “đột biến”, như Indonesia (tăng 15 lần), Senegal (tăng 7,8 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 64,8 lần)… |