Độc lạ với 'báu vật' quần áo làm từ vỏ cây của người Xơ Đăng ở Kon Tum
Độc đáo từ chất liệu tới cách làm
Từ TP. Kon Tum, men theo QL14, chúng tôi tìm về thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, tìm gặp nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi) - một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Độc đáo quần áo làm từ vỏ cây rừng của người Xơ Đăng ở Kon Tum. Ảnh: Hiền Mai |
Bên những bộ trang phục độc đáo làm từ vỏ cây, /chu-de/nghe-nhan-uu-tu.topic Y Der bắt đầu say sưa kể cho chúng tôi nghe về những hồi ức, về các nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Xơ Đăng.
Đối với nghệ nhân Y Der và dân làng nơi đây, “linh hồn” trong các lễ hội là cồng chiêng, múa xoang. Cùng với đó thường xuất hiện những bộ trang phục bằng vỏ cây, con rối, mặt nạ, hình nộm hay hình hóa trang mang nét đặc trưng của nghệ thuật tạo hình dân gian đặc sắc. Nét tạo hình tuy đơn sơ, giản dị, song rất gần gũi, thân thuộc khiến các lễ hội thêm ấn tượng.
Trong những nét đặc trưng đó, trang phục bằng vỏ cây mang ý nghĩa sâu sắc đối với bà con Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá). Xưa kia, vào những dịp lễ lớn mọi người đều khoác lên mình bộ trang phục bằng vỏ cây, cả đàn bà, đàn ông đều sử dụng.
/chu-de/nghe-nhan-nhan-dan.topic Y Der cho biết, trước đây, khi chưa biết dệt các tấm thổ cẩm, người Xơ Đăng chủ yếu mặc trang phục bằng vỏ cây, dây rừng. Thường chúng tôi chọn vỏ của cây hmúa và cây gdua để làm. Hai loại cây này mọc nhiều ở rừng, có vỏ vừa đủ độ rộng, dài, dẻo, mềm và bền thích hợp làm tấm khố, váy, áo.
“Trước kia, cây hmúa hay cây gdua có nhiều trong núi. Ngày nay, cây dần ít đi, muốn tìm được phải lặn lội vào tận rừng sâu. Để tìm được 1 - 2 cây đủ làm một chiếc áo, tôi phải mất một ngày vào tận rừng sâu, mất thêm một ngày để cạo và đập dập vỏ thân cây” - bà Y Der nói.
Theo bà Y Der, vỏ cây sau khi đưa về sẽ được lột, hun khói, đập dập nhiều lần từ nhẹ đến mạnh cho tơi thành sợi. Việc làm này thường được những thanh niên khỏe mạnh, rắn rỏi đảm nhận.
Tiếp đến, vỏ cây được đưa xuống suối ngâm nửa ngày cho trôi bớt mủ rồi nấu chung với một số loại lá để tránh mối, mọt; sau đó được phơi trong nắng nhẹ rồi đem nối lại với nhau bằng dây cây jrông, tạo thành trang phục khá thô sơ nhưng lại rất chắc chắn.
Thông thường, áo được may theo kiểu dáng cổ tròn, không có tay, toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách, mặt trong rất láng vì được mài nhẵn, còn mặt ngoài sần sùi hơn. Trung bình bà Y Der sẽ phải mất khoảng 2 -3 ngày để hoàn thiện một chiếc áo, khố, váy.
“Hiện tôi còn giữ 10 bộ trang phục vỏ cây của cha mẹ để lại. Còn 4 bộ tôi mới làm vào 3 năm trước. Hiện trang phục này không được sử dụng thường xuyên, chỉ dùng trong các lễ đâm trâu, mừng lúa mới hoặc lễ hội cồng chiêng - múa xoang” - bà Y Der cho hay.
Gìn giữ và lưu truyền
Là người am hiểu về văn hóa dân tộc Xơ Đăng, nghệ nhân ưu tú A Nian (75 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo) cho biết, trong mỗi lễ hội của thôn hoặc xã tổ chức thường có người mặc trang phục làm từ vỏ cây. Điểm đặc biệt họ mặc trang phục này sẽ đeo thêm chiếc mặt nạ đẽo từ tấm gỗ. Mặt nạ được điêu khắc thành hình thù kỳ dị hoặc hài hước. Nhiều bộ phận như mắt, mũi, miệng, trán, cằm hay râu được cách điệu với đường nét hết sức hoang sơ.
Cận cảnh chiếc áo làm từ vỏ cây rừng của người Xơ Đăng. Ảnh: Hiền Mai |
Nghệ nhân Y Der là trong số ít đang gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Xơ Đăng. Ảnh: Hiền Mai |
Khi nhắc về việc gìn giữ và lưu truyền nghề làm trang phục từ vỏ cây, trầm ngâm một hồi, già A Nian cho rằng thế hệ trẻ bây giờ không còn ai mặn mà và biết cách làm nữa. Những người cao tuổi thì hầu hết đã về với Yàng (trời), chỉ còn một vài người xưa kia học được cách làm từ cha ông nhưng nay tay đã run, mắt cũng mờ. Một điều quan trọng nữa là rừng bị tàn phá quá nhiều nên giờ đây tìm nguyên liệu rất khó, vào tận rừng sâu “săn” cả tuần cũng chưa chắc đã thấy.
“Cũng có nhiều người đến hỏi mua áo nhưng dân làng Kon Sơ Tiu nhất quyết không bán vì mọi người xem đây là 'báu vật'. Nhiều năm qua, tôi cũng như bà Y Der đã tích cực huy động, hướng dẫn một số thanh niên trong thôn làm trang phục vỏ cây với mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của ông cha, để con cháu trong tương lai biết đến trang phục độc đáo của dân tộc”- ông A Nian chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông A Lũy - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo cho biết: “Với nơi đây, trang phục bằng vỏ cây chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, phản ánh quá trình phát triển của cộng đồng qua mỗi thời kỳ. Trang phục từ cỏ cây cũng là sự giao hòa, gần gũi giữa con người với vạn vật, thiên nhiên. Chính vì vậy, những người già, chính quyền địa phương luôn đau đáu trong việc bảo tồn và trao truyền nét văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ”.