Người Dao đỏ trang trí bàn thờ đón Tết Gìn giữ phát huy lễ cưới của người Dao đỏ |
Thông thường lễ diễn ra khá gọn nhẹ mang ý nghĩa thông báo cho tổ tiên đã đến Tết, mời tổ tiên về cùng con cháu đón năm mới và để con cháu báo cáo lại những điều đã làm được trong năm cũ. Đồng thời, thông qua các thầy, gia chủ cũng muốn được cầu mong cho năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, xua đi những điều xấu, bệnh tật, cho tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ.
Thầy cúng đang làm lễ dâng cơm |
Đặc biệt, nếu trong năm ấy nếu gia đình nào có điều kiện tốt hơn sẽ làm thêm Lễ dâng cơm. Đây là nghi lễ bày tỏ lòng thành kính, cảm ơn tổ tiên và thể hiện việc coi trọng chữ Hiếu của người Dao. Đồng thời cũng là dịp để báo cáo những thành công trong năm vừa qua nhờ được tổ tiên phù hộ như: nuôi được con lợn to, có đủ cơm ăn, áo mặc, con cháu trong nhà học hành chăm chỉ. Trong lễ dâng cơm, những món ăn, quần áo giấy, hoa quả, tiền giấy… sẽ lần lượt được dâng lên cho tổ tiên với mong ước các đấng sinh thành được cùng con cháu hưởng những thành quả sau một năm làm việc vất vả.
Theo anh Triệu Tiến Trư (Thầy trực tiếp thực hiện nhiều lễ dâng cơm) cho biết: Đây không phải là nghi lễ bắt buộc mà chỉ là nhà nào có điều kiện mới làm, nếu trong năm đó nhà nuôi được con lợn to, làm mọi việc đều tốt đẹp, con cháu về đông đủ, thì gia chủ sẽ mời Thầy về làm lễ. Ngày được định làm lễ thường vào dịp cận Tết vào khoảng 25 - 30 tháng Chạp.
Trong lễ dâng cơm, đồ bày trên bàn quan trọng nhất là phải có một con lợn, hai đến ba con gà đã luộc sẵn, mười chén cơm nếp mỗi chén cắm một đôi đũa và cắt thêm quần áo bằng giấy màu xanh, đỏ, tím, vàng. Bên cạnh đó các thành viên trong nhà tuỳ theo điều kiện có thể mua thêm hoa quả, bánh kẹo, món ăn ngon... theo tinh thần tự nguyện của con cháu trong nhà muốn dâng lên lễ vật gì cho tổ tiên thì mua sắm thêm và nhờ thầy đọc lên để tổ tiên được biết.
Ngay từ sáng sớm, khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, thầy sẽ bắt đầu thực hiện các bước làm lễ. Nghi lễ dâng cơm diễn ra trong khoảng một buổi sáng có 2 phần: Đầu tiên, Thầy trình bày với tổ tiên của gia chủ về lý do của việc dâng cơm năm nay, đồng thời trình lên những việc đã làm được trong năm qua của con cháu và liệt kê đồ lễ con cháu đã chuẩn bị. Thứ hai, đến phần con cháu trong nhà lần lượt lên dâng lễ. Lúc này ai cũng háo hức chờ Thầy gọi đầu tiên vì theo quan niệm, người đầu tiên được tổ tiên gọi tên thông qua quẻ âm dương chính là người thành công nhất trong năm đó, có nhiều đóng góp cho gia đình, dòng họ, có thành tích nổi bật trong năm.
Chỉ có người đầu tiên là người được các cụ chỉ đích danh để khai màn phần dâng cơm. Những người sau đó có thể không cần theo thứ tự. Đặc biệt, người được dâng cơm đầu tiên không nhất thiết phải là đàn ông trong nhà mà tất cả đều bình đẳng. Đàn ông hành lễ bằng cách lạy bay lạy, đàn bà nhún chân ba lần. Cứ như vậy, mọi người khi dâng lễ sẽ lần lượt dâng hết những món sao cho không để trùng nhau, đến khi tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ đã dâng hết thì kết thúc lễ.
Tiếp đó là lễ tắm cho tổ tiên (Dzáo xin), Thầy sẽ gọi gia chủ mang lên một chậu nước ấm để trước cửa chính, lấy hai chiếc que vót sẵn để ngang chậu nước rồi đặt tờ giấy bản ngang qua thanh tre, sau đó dùng chiếu che kín lại rồi thỉnh các cụ về tắm rửa nước thơm. Với ý nghĩa rằng sau khi đã ăn cơm xong thì để các cụ tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo mới để cùng nhau đón Tết với con cháu.
Hiện nay, khi đời sống người Dao càng phát triển, kinh tế khá giả hơn, càng nhiều gia đình người Dao đỏ có điều kiện tổ chức Lễ dâng cơm cho tổ tiên vào những dịp cận kề Tết. Đây cũng là phong tục tốt đẹp thể hiện nét đặc sắc trong đời sống tinh thần, tâm linh của đồng bào. Lễ dâng cơm cũng là dịp để con cháu trong nhà tụ họp đầy đủ cùng thực hiện những nghi thức bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cùng nhau đoàn kết giữ gìn truyền thống quý báu đó. Đây là một nét văn hóa đẹp, đặc sắc trong cộng đồng người Dao./.