Nhà thơ Hữu Thỉnh vừa nhận giải A văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025 với tác phẩm "Giao hưởng Điện Biên". Đây là một trường ca với 21 chương và 5 phần được nhà thơ ra mắt dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024). Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Nhà thơ Hữu Thỉnh về nội dung này.
![]() |
Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh: VT |
- Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” vừa giành được giải A – một tác phẩm lớn về quy mô lẫn nội dung, ông có thể chia sẻ cơ duyên nào khiến ông bắt tay vào sáng tác trường ca này, dù đã có rất nhiều tác phẩm viết về Điện Biên trước đó?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đúng vậy, viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ là một đề tài lớn, đã có nhiều tác phẩm kinh điển. Nhưng tôi luôn cảm thấy trong lòng mình còn một món nợ – một tâm nguyện chưa thực hiện được từ thời còn là lính trẻ. Khi ấy, tôi từng được đóng vai một người lính Điện Biên trong một bộ phim quay ở núi Đanh (Vĩnh Yên). Mặc áo trấn thủ, đội mũ lưới, đào hầm, cuốc đất… suốt một tháng trong bối cảnh tái hiện chiến trường xưa, tôi đã mang trong tim ước mơ viết một tác phẩm về Điện Biên.
Ước mơ ấy sống âm ỉ trong tôi hơn nửa thế kỷ. Đến khi đọc cuốn “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, cảm xúc bùng lên, thôi thúc tôi phải viết. Tôi cầm bút mà không dám nói với ai vì sợ mình không đủ sức tả trọn được Điện Biên Phủ trong hơn 2.000 câu thơ. Nhưng tôi đã hoàn thành, như một lời hứa với tuổi trẻ và lịch sử.
- Ông đặt tên tác phẩm là “Giao hưởng Điện Biên”. Vì sao là “giao hưởng”, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi muốn Điện Biên không chỉ được kể lại bằng sử liệu hay những con số, mà phải ngân vang như một khúc tráng ca – nơi từng cung bậc cảm xúc, từng mảnh ghép lịch sử hòa quyện thành bản nhạc hào hùng. 21 chương của trường ca là 21 chương “giao hưởng”, từ bước chân người ra trận đầu tiên đến khúc tưởng niệm tri ân. Trong đó, từng nhân vật, từng địa danh, từng nắm đất, ngọn cờ, đều mang tiếng nói riêng, hợp thành bản hợp xướng thiêng liêng của dân tộc.
- Hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuyên suốt trường ca, ông đã khắc họa với góc nhìn đầy cảm xúc. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đó là trục cốt lõi của Trường ca. Đó là hai đỉnh cao biểu tượng của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Tôi mở đầu bằng hình ảnh Bác ra trận: “Bác Hồ ra trận cùng chiến sĩ / Nhân sức quân lên khắp đại đoàn…” bởi vì đó là sự thật lịch sử nhưng cũng là biểu tượng niềm tin. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh của lòng dân – hiện lên vừa vĩ đại, vừa gần gũi. Khi viết về Đại tướng, tôi xúc động như chính mình đang bước vào trận chiến ấy, nghe ông nói, thấy ông trầm ngâm trước bản đồ, và cùng ông đón chiến thắng vỡ òa…
- Trong Trường ca, ông dành nhiều lời thơ cho những người lính vô danh, dân công hỏa tuyến, đặc biệt có cả những người con quê hương Vĩnh Phúc như Trần Cừ, Chu Văn Khiêm, Nguyễn Văn Bạch… Điều đó có phải là cách ông tri ân riêng không?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi viết về họ bằng cả tấm lòng. Bởi chiến thắng không chỉ có những trang vàng của tướng lĩnh, mà được dệt nên từ máu, mồ hôi của những con người bình dị – “những cây số người” gánh gạo, tải đạn, dựng đường, đào hầm. Và trong đó có những người con của quê tôi – Vĩnh Phúc – như Trần Cừ lấy thân mình bịt lỗ châu mai, hay người anh hùng đất Sông Lô từng đánh Pháp ở Cầu Oai. Họ không chỉ là niềm tự hào của Vĩnh Phúc, mà là đại diện cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cả dân tộc.
- Chương cuối “Khúc tưởng niệm” rất xúc động, như một nén hương gửi về quá khứ. Có phải ông muốn nhắn gửi điều gì cho thế hệ hôm nay?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi viết chương đó với nước mắt. “Lên Điện Biên bây giờ gần lắm…”, nhưng con đường về với lịch sử thì luôn cần sự chiêm nghiệm và biết ơn. Tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay – những người sống trong hòa bình – hiểu rằng, độc lập, tự do này được đánh đổi bằng máu. “Một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ”, và tôi tin, Điện Biên Phủ sẽ luôn sống mãi trong tâm hồn người Việt.
Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ!
Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê quán ở xóm Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam từ khóa thứ 3 đến khóa thứ 8, giữ chức Chủ tịch Hội 4 nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2000-2020. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 10 và 11. Ngoài ra, nhà thơ từng là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Với gần 20 tập thơ và nhiều truyện ký, tiểu luận phê bình. Với trường ca, ông từng nổi tiếng với Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (2016). Đặc biệt, ông đã từng nhận các Giải thưởng, Huân chương cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng Nhì… |