Với người Dao đỏ, bàn thờ là nơi linh thiêng, được đặt tại nơi trang trọng nhất ở gian chính của ngôi nhà. Người Dao quan niệm, đó là nơi cư ngụ của tổ tiên của dòng họ, nơi con cháu thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến cha ông. Trong tháng Chạp, sau khi chuẩn bị đầy đủ củi, lá gói bánh... từ khoảng 25 Tết, người Dao sẽ tìm thầy đến làm lễ mời tổ tiên về cùng con cháu ăn Tết, báo cáo với tổ tiên rằng một năm đã qua và bắt đầu một năm mới; cảm ơn tổ tiên trong năm đã phù hộ cho gia đình luôn bình an và cầu mong năm mới anh em trong nhà, dòng họ sẽ được tổ tiên tiếp tục phù hộ mọi sự tốt lành, mùa màng tươi tốt, an khang, thịnh vượng…
Những ngày sau đó là công việc thu dọn nhà cửa, làm sạch cỏ xung quanh nhà. Người Dao luôn quan niệm, đầu năm mới, xung quanh nhà phải thật sạch sẽ, cây cỏ được phát quang, các đồ vật trong nhà được lau dọn để đón những điều may mắn đầu năm và tiễn điều xấu ra khỏi nhà. Trong những công việc đó, quan trọng nhất là dọn dẹp và trang trí bàn thờ tổ tiên. Đây thường là công việc của người đàn ông trong gia đình vì những người phụ nữ sẽ gói bánh, đồ xôi...
Vào ngày cuối cùng của năm cũ, người già, trẻ nhỏ trong nhà sẽ cũng nhau cắt giấy màu để trang trí bàn thờ thật đẹp, tạo điểm nhấn cho cả ngôi nhà. Như vậy, mới thể hiện được lòng hiếu kính với tổ tiên. Màu giấy được sử dụng trong việc trang trí bàn thờ chủ yếu với bốn màu: Xanh, đỏ, tím, vàng. Đây là những màu tượng trưng cho 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Những người khéo tay hơn sẽ cắt giấy theo hình mặt trời tỏa sáng dán bên trong giữa và hai bên bàn thờ. Ngoài ra, người ta còn cắt theo hình cờ với các màu sắc để dán trước bàn thờ, cửa chính, cửa bếp và các vật dụng… với mong muốn tất cả mọi thứ trong gia đình cùng gia chủ đón Tết. Rồi nữa, người ta cũng dán thêm ít tiền giấy lên cái cày, con dao, cái cuốc, chuồng lợn, chuồng gà... đã một năm cùng làm lụng vất vả với gia chủ để có được mùa màng bội thu.
Buổi chiều 30 Tết, những người già trong nhà cầm kéo cắt giấy với đầy đủ các hình mầu sặc sỡ như mầu đỏ tượng trưng cho tài lộc, xanh tượng trưng của rừng cây. Quây quần, xúm xít bên ông bà là các cháu nhỏ chăm chú nhìn, lâu lâu lại cầm giấy dán theo hướng dẫn của người già. Người Dao chủ yếu trang trí bàn thờ bằng giấy đỏ làm hình mặt trời, có ánh hào quang tỏa sáng dán vào bàn thờ. Ở các cửa ra vào nhà đều được cắt dán 4 tờ giấy mầu, mỗi tờ tượng trưng cho 4 mùa; tương tự, các đồ vật như: Chạn bát, hòm, chuồng gà, chuồng lợn… cũng đều được dán 4 tờ giấy khổ nhỏ hơn…
Mỗi gia đình người Dao đỏ đều có cách trang trí bàn thờ riêng, theo những cách khác nhau nhưng đều phải tuân theo những màu sắc nhất định. Nhà nào có người cắt giấy khéo đều được hàng xóm đến nhờ giúp hộ. Ai cũng muốn gian thờ tổ tiên của nhà mình thật đẹp, không kém hàng xóm. Khách đến chơi nhà nhìn thấy ban thờ được trang trí lộng lẫy cũng khen chủ nhà biết hiếu kính với tổ tiên, dòng họ, sang năm mới sẽ được phù hộ làm ăn phát đạt, may mắn và sức khỏe cho gia chủ. Sau khi công việc trang trí và dọn dẹp ban thờ hoàn tất, gia chủ sẽ dựng 2 cây mía ở hai bên, bày bánh chưng, bánh dày, các thức bánh, quả, cành đào, cành mận... lên bàn thờ. Cuối cùng là thông báo cho mọi người rằng công việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ đã hoàn tất.
Như những năm trước đây khi chưa có lệnh cấm đốt pháo, nhà nào xong trước sẽ đốt pháo thông báo nhưng gần đây, khi mọi việc xong xuôi, gia chủ sẽ gõ trống hoặc thổi 1 bài kèn (nếu có) để thông báo. Sau đó, tắm rửa sạch sẽ bằng lá thơm, rồi mới thắp hương ở bàn thờ và hai bên cửa mời tổ tiên về cùng con cháu đón giao thừa.
Người Dao đỏ coi tổ tiên trong nhà như thần hộ mệnh luôn theo sát và che chở cho họ. Để mỗi gia đình, dòng họ, thế hệ cháu con luôn nhớ về nguồn gốc của dân tộc mình.