Thứ ba 24/12/2024 00:02

Doanh nghiệp Việt thu triệu đô từ những "cú kích chuột"

Không khó để bắt gặp các doanh nghiệp Việt gặt hái được thành công khi chuyển mình xuất khẩu qua thương mại điện tử.

Bài học thành công từ những cú kích chuột

Chỉ sau một năm bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon nhắm đến các thị trường Âu, Mỹ, ChicnChill - một thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan lát của Việt Nam đã đạt con số tăng trưởng đến 700%.

Trần Tuấn Dũng, ông chủ của ChicnChill chia sẻ, đã nhìn thấy ý tưởng khởi nghiệp khi phần lớn các doanh nghiệp Việt phải “thu mình” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ông Dũng và đội ngũ dành nhiều tháng tìm tòi trên các website về lối sống ở thị trường Âu Mỹ, nghiên cứu và phân tích các xu hướng trang trí nhà cửa với các vật liệu từ thiên nhiên, từ đó xác định dòng sản phẩm chủ lực đầu tiên, kết hợp bản sắc Việt để bước chân vào thị trường.

Chỉ sau khoảng một năm lên sàn, cỏ cây, mây tre Việt qua các sản phẩm thủ công trang trí ChicnChill đã được đón nhận và yêu thích trên Amazon. “Mục tiêu của chúng tôi là đạt mức tăng trưởng 200 - 300%/năm” - ông Dũng nói.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây che đan của Việt Nam được được đón nhận và yêu thích trên Amazon

AnEco - một thương hiệu với những sản phẩm từ nhựa có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn và thân thiện với môi trường (túi, dao, nĩa, ống hút, màng bọc thực phẩm...) cũng gặt hái thành công rực rỡ trong năm 2022 nhờ bán hàng xuyên biên giới qua sàn thương mại điện tử.

Chưa đến một năm lên sàn, AnEco đã có đến vài chục nghìn khách hàng mua và sử dụng sản phẩm. Doanh số năm 2022 tăng gấp 20 lần so với năm 2021.

Cũng từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với thách thức sống còn, Sunhouse - thương hiệu Việt trong ngành gia dụng, thiết bị nhà bếp - đã lựa chọn “vượt bão” bằng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đây là một bước đi được đánh giá “liều lĩnh” của doanh nghiệp này bởi dù khá quen ở thị trường Việt Nam nhưng Sunhouse còn quá mới trên thế giới và lại chọn ngành thế mạnh của nhiều nước phát triển.

Tuy nhiên, dù chỉ mới lên sàn thế giới từ đầu năm 2022 nhưng tốc độ tăng trưởng của Sunhouse đã vượt kỳ vọng. Riêng thị trường Bắc Mỹ có doanh số tăng trung bình 160 - 200%/tháng.

Một thương hiệu Việt khác cũng gặt hái thành công khi xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới là LAFOOCO trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nhân điều.

Chỉ sau hai tuần mở bán trên Amazon, ba trong tổng số bốn loại hạt điều của doanh nghiệp Việt đã lọt vào top 10 sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất trên nền tảng này.

Riêng hai dòng sản phẩm hạt điều rang muối biển vị caramel và hạt điều rang muối biển vị dừa lọt top 100 sản phẩm hạt điều tại gian hàng Amazon ở Mỹ.

LAFOOCO xuất khẩu thành công sản phẩm hạt điều qua Amazon

Rất ít người nghĩ rằng sản phẩm khung giường to cồng kềnh, khó vận chuyển, lại có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Thế nhưng đó lại là câu chuyện có thật của một doanh nghiệp ở Bình Dương.

Sản phẩm của doanh nghiệp đồ gỗ của doanh nghiệp này đã bán ra thị trường quốc tế nhiều năm nay. Tuy nhiên, năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, do giãn cách xã hội, đối tác nước ngoài không thể đến Việt Nam để xem hàng, doanh nghiệp không thể xuất khẩu hàng theo cách truyền thống, bèn tính cách mở kênh bán hàng mới trên sàn thương mại điện tử Amazon. Lúc đó, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành cứu cánh giúp nhiều doanh nghiệp thoát cảnh hàng tồn kho quá nhiều.

Dù đã có kha khá kinh nghiệm kinh doanh xuất khẩu theo phương thức truyền thống, song với kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, không dễ gì “làm một phát thắng ngay”.

Mất khoảng 1 năm loay hoay giữa “biển” thông tin trên mạng Internet, không biết nên làm theo hướng nào mới chuẩn, doanh nghiệp đã tìm tới chuyên gia tư vấn.

Với sự hỗ trợ tư vấn từ chuyên gia, doanh nghiệp đã nghiên cứu ra cách đóng gói khung giường thành hộp gọn gàng để dễ vận chuyển.

Hơn hết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, doanh nghiệp dần tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng: Có thêm lưu ý về trọng lượng đối với người sử dụng; tặng thêm bộ dụng cụ để khách hàng tự tháo lắp sản phẩm tại nhà; có thêm video hướng dẫn tháo lắp; Đóng hàng gọn gàng, chắc chắn hơn để giảm thiểu lỗi trong quá trình vận chuyển….

Sau 3 năm kinh doanh trên Amazon, doanh nghiệp ở Bình Dương đã gặt hái thành quả: Doanh thu tăng từ 2 triệu USD năm 2020 lên 8 triệu USD năm 2021 và 15 triệu USD năm 2022 (chưa kể 5 triệu USD tới từ các kênh khác); trở thành thương hiệu bán sản phẩm khung giường ưa thích trên Amazon, bắt đầu tạo vị thế thương hiệu tại thị trường Mỹ.

Giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba hay Amazon là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới dễ dàng tìm kiếm thị trường mới, giảm tối đa chi phí để vươn ra thế giới thay vì phải qua các trung gian, chịu nhiều thua thiệt.

Amazon đang là cầu nối đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt ra toàn cầu

Xuất khẩu trực tuyến giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí trong xây dựng mạng lưới phân phối, giới thiệu sản phẩm do mọi hoạt động đàm phán, giao dịch đều thực hiện online.

“Nếu doanh nghiệp tự tìm hiểu về một thị trường thì sẽ mất đến vài năm. Tuy nhiên nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có uy tín thì con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể” - ông Lê Tùng - Giám đốc marketing Tập đoàn Sunhouse, nói.

Tuy vậy, theo một số doanh nhân đã xuất khẩu thành công qua các sàn thương mại điện tử lớn, để xuất khẩu được qua những cú kích chuột của khách hàng, cũng cần không ít đầu tư: Từ hạ tầng, công nghệ số một cách bài bản để có thể đồng bộ, kết nối với các nền tảng nước ngoài.

Bên cạnh đó doanh nghiệp phải liên tục đổi mới sáng tạo, từ hình thức sản phẩm, cách tiếp thị cho đến chính sách giá cả cạnh tranh. Đó là chưa kể phải kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thế giới và đặc thù của từng thị trường riêng.

Từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng vào Mỹ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đào tạo Tập đoàn Anneco luôn đau đáu với việc làm sao có thể hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt sang xứ sở cờ hoa. Theo ông Tuấn, để xuất khẩu hàng Việt qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không hề dễ dàng. Không ít rào cản doanh nghiệp phải đối mặt. Chẳng hạn, giấy tờ, thủ tục trong xuất nhập khẩu quốc tế.

Khi xuất khẩu hàng sang Mỹ cũng như châu Âu, Nhật Bản,… những thị trường rất khó tính, sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều loại giấy tờ. Không phải doanh nghiệp Việt nào cũng có sẵn các loại giấy tờ đó. Hoặc rào cản về nguồn lực con người và tài chính.

“Nhiều doanh nghiệp không lo được nhân sự chuyên làm về xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử; chưa tìm được nguồn tiền để đầu tư cho kênh kinh doanh mới này” - ông Tuấn nói.

Một số sai lầm dẫn tới thất bại được ông Tuấn chia sẻ từ bài học của bản thân: “Không nghiên cứu kỹ thị trường là một kinh nghiệm đau thương đối với tôi. Thấy một cái thuyền mô hình rất đẹp, tôi tự tin sản phẩm này có thể bán chạy trên sàn thương mại điện tử. Lại thấy có giá treo đồ gỗ cũng đẹp, tôi cho rằng kết hợp giá này với thuyền thì sẽ rất hay. Nhưng rồi thực tế, những người thích mua thuyền thì không thích mua đế và những người mua đế thì không muốn kèm thêm thuyền. Thế là tôi thất bại. Kinh nghiệm tôi tự rút ra là, sản phẩm mình yêu thích chưa chắc mọi người khác cũng thích; đừng bỏ qua bước nghiên cứu thị trường mà mình định bán hàng”.

Dù khó nhưng ông Tuấn vẫn khuyến nghị các doanh nghiệp Việt nên tiếp cận kênh thương mại điện tử để đưa sản phẩm Việt ra thế giới.

Với vai trò cầu nối đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt ra toàn cầu, bà Phạm Ngọc Anh, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam lưu ý tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo khảo sát của Amazon, 59% người mua chọn nhãn hiệu quen thuộc khi tìm mua sản phẩm mới; 80% người mua khám phá thương hiệu mới trên sàn thương mại điện tử; Mức độ tăng trưởng của nhà bán hàng có thương hiệu cao hơn 1,5 lần so với không có thương hiệu.

Bà Ngọc Anh khuyến nghị một số điều nên làm để xây dựng một thương hiệu quốc tế: Đăng ký nhãn hiệu ở quốc gia định bán hàng; Xin cấp bằng sáng chế về thiết kế và công nghệ; đảm bảo chất lượng sản phẩm và chiến lược giá cả phù hợp với hình ảnh thương hiệu; quảng cáo cả kênh trực tiếp và gián tiếp qua nhiều hình thức...

Trong số những điều không nên làm, việc cần tránh đầu tiên là sử dụng hàng tồn kho để thử nghiệm trong quá trình xây dựng thương hiệu ở nước ngoài. Tiếp đó là các sản phẩm hot trong nước không cần chỉnh sửa vẫn mang ra bán ở thị trường quốc tế; sử dụng các từ nhạy cảm làm tên thương hiệu…

Theo báo cáo hoạt động năm 2022 của Amazon Global Selling, gần 10 triệu sản phẩm từ các nhà bán hàng Việt Nam được bán đến tay khách hàng Amazon trên toàn cầu.

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam - nhận xét: “Với những lợi thế có sẵn như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online”.

Lê Na
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Thương mại điện tử: Khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?

Phòng vệ thương mại triển khai đồng bộ, toàn diện: Tiền đề giúp khơi thông nguồn lực phát triển

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Đà Nẵng: Ứng dụng thương mại điện tử, hướng đi mới cho tiểu thương chợ truyền thống

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Thương mại điện tử: Đường dài không mấy dễ đi

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Xúc tiến quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội tại Tiền Giang

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Gia Lai: Ngành Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Đà Nẵng: Tập huấn về Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM)

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?