Doanh nghiệp các tỉnh phía Nam đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm
Hôm nay (15/2), nhiều doanh nghiệp tái khởi động hoạt động sản xuất sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đánnhằm sẵn sàng cung ứng đúng hẹn những đơn hàng của năm 2024.
Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp tái khởi động hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng các đơn hàng. Tại Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) không khí làm việc rộn ràng ngay trong ngày đầu năm mới.
Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Đức Hồng chia sẻ, toàn công ty có 980/1.060 công nhân trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết. Hoạt động sản xuất diễn ra đồng bộ trên tất cả các dây chuyền.
Tương tự, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lộc Trời, thông tin, ngay những ngày đầu năm 2024, công ty đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65. Do vậy, tập đoàn đã chủ động lên kế hoạch tái sản xuất sớm sau Tết. Theo đó, 3.600 nhân sự của hệ sinh thái sản xuất Tập đoàn Lộc Trời đã có mặt tại các nhà máy để đảm bảo tái khởi động sản xuất. Các nhà máy đang nỗ lực tổ chức sản xuất đảm bảo các đơn hàng đã ký trước tết.
Doanh nghiệp rộn ràng sản xuất trở lại từ ngày mùng 6 Tết |
“Đúng sáng 15/2, đồng loạt 1 nhà máy thuốc bảo vệ thực vật, 1 nhà máy phân bón, 1 nhà máy bao bì cùng 10 nhà máy gạo với năng lực cung ứng 2 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường trong nước và quốc tế sẽ sẵn sàng cho sản xuất”, ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.
Tại Bình Dương, theo ghi nhận, ngày 15/2 nhiều doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Tại khu công nghiệp Đại Đăng (thành phố Thủ Dầu Một), Công ty TNHH Giày Kim Xương Việt Nam (3.400 lao động) đã tổ chức sản xuất trở lại.
Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Giày Kim Xương Việt Nam cho biết, công nhân được nghỉ từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết. Sáng nay, công ty đã hoạt động, hàng nghìn công nhân đã trở lại làm việc. Không khí sản xuất đầu năm mới rất phấn khởi, ngày đầu tiên đi làm đã có trên 70% công nhân lao động đến nhà máy. Những công nhân lao động đi làm ngày làm việc đầu năm được công ty lì xì.
Tại Khu công nghiệp VSIP I (thành phố Thuận An), nhiều doanh nghiệp cũng đã tổ chức sản xuất trở lại. Trong đó, Công ty TNHH Compass II (có khoảng 700 lao động) đã tổ chức sản xuất từ mùng 5 Tết.
Tại Đồng Tháp, ngay từ sáng sớm ngày 15/2, người lao động tại nhiều doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Đồng Tháp đã có mặt tại nhà máy, sẵn sàng cho ngày làm việc đầu tiên trong năm mới.
Theo tổng hợp báo cáo nhanh, đến hết buổi sáng ngày 15/2, đã có 10.555 lao động tại các khu công nghiệp Sa Đéc, khu côn nghiệp Trần Quốc Toản, khu công nghiệp Sông Hậu đồng loạt trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn. Tại nhiều doanh nghiệp, số lao động trở lại làm việc đạt trên 90%, nhiều doanh nghiệp đạt 100%. Dịp này, một số doanh nghiệp còn lì xì đầu năm cho đoàn viên, người lao động.
Tại Đồng Nai, nhiều /chu-de/doanh-nghiep-viet.topic đã trở lại sản xuất sau Tết Nguyên đán. Theo đại diện Công ty TNHH CN Plus Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), sáng 15/2 (mùng 6 Tết) các nhà máy đã trở lại sản xuất. Năm vừa qua, do khó khăn nhiều mặt của kinh tế thế giới cũng như trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của công ty có chậm hơn. Để tạo điều kiện cho công nhân yên tâm làm việc, công ty tổ chức các hoạt động sản xuất bình thường, đẩy một số đơn hàng có thời gian giao muộn lên sản xuất trước.
Theo kế hoạch, trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều nhà máy, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đều tổ chức ra quân và phát động phong trào thi đua năm 2024. Nhiều lô hàng được “chọn giờ” xuất xưởng phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu để "lấy may", hy vọng một năm mới nhiều thành công.
Việc các doanh nghiệp dành sự quan tâm hơn đến người lao động sau dịp Tết Nguyên đán như tổ chức chuyến xe đưa đón, tặng tiền thưởng, lì xì… cho những trường hợp đi làm việc đúng lịch là giải pháp thiết thực “kéo” công nhân quay lại nhà máy, giúp tổ chức hoạt động ổn định ngay sau kỳ nghỉ Tết.