Điểm sáng gạo Việt
Gạo Việt tiếp tục thu trái ngọt
Việc Ấn Độ mở kho khiến giá gạo trên thị trường thế giới lao dốc. Trong khi đó, tại Việt Nam giá gạo thông dụng đã ổn định trở lại sau vài ngày giảm, còn giá gạo thơm đặc biệt là ST24 và ST25 tiếp tục tăng, hiện đạt mức cao kỷ lục đến 1.300 USD/tấn nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ gạo để xuất.
Điểm sáng gạo Việt. (Ảnh: N.H) |
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá dòng gạo ST, đặc biệt là ST25 đã tăng tới 5.000 đồng/kg so với tháng trước và đang ở mức rất cao. Giá gạo nguyên liệu hiện tại đang ở mức 25.000 - 26.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường lại rất cao kể cả nội địa và xuất khẩu.
Nếu như đầu năm nay, giá gạo ST25 xuất khẩu chỉ khoảng 750 - 800 USD/tấn thì hiện tại đã lên tới 1.300 USD/tấn. Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu của ngành gạo Việt Nam. Không chỉ xuất khẩu mà nội địa cũng tiêu thụ rất mạnh, giá gạo chất lượng cao khoảng 35.000 đồng/kg.
Bên cạnh dòng ST thì các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam cũng đang được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Hồng Kông, Singapore, Philippines, Trung Đông và cả một số nước châu Phi với giá tốt.
Theo ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, dòng gạo ST giá đang ở mức rất cao, phổ biến quanh mốc 1.000 USD/tấn. Các dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao cũng từ 600 - 700 USD/tấn. Các sản phẩm này vẫn xuất khẩu tốt và không bị ảnh hưởng bởi lệnh "mở kho" của Ấn Độ.
Còn theo ông Nguyễn Vĩnh Trọng - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), khi có thông tin về việc Ấn Độ quay lại thị trường gạo thế giới, giá gạo trắng thông dụng xuất khẩu của Việt Nam giảm 5 - 10 USD/tấn, giá nội địa giảm 100 - 200 đồng/kg. Tuy nhiên, giá gạo thơm như Jasmine, Đài Thơm 8 vẫn ổn định do nguồn cung ít và nhu cầu cao từ các thị trường như Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), châu Phi.
Không chỉ xuất khẩu ổn định, theo thông tin từ bộ phận Thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, tiếp nối thành công của việc đưa ST25 - thương hiệu gạo đầu tiên của Việt Nam chinh phục thị trường Nhật Bản vào năm 2022, một thương hiệu gạo thứ 2 của Việt Nam là A AN đã chính thức thâm nhập thị trường khắt khe vào bậc nhất thế giới này.
Theo đó, ngay từ đầu tháng 10/2024, Tập đoàn Tân Long đã thành công trong việc xuất khẩu 1.000 tấn gạo JAPONICA chất lượng cao mang thương hiệu A AN vào thị trường Nhật Bản - thị trường khắt khe bậc nhất thế giới.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh - cho biết gạo Việt Nam bắt đầu nhận được đánh giá cao từ các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những thị trường này đã tăng sản lượng nhập khẩu gạo của Việt Nam qua từng năm.
Sự kiện ra mắt thương hiệu gạo thứ hai của Việt Nam tại Nhật Bản cho thấy Tân Long không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng gạo. Trong thời gian tới, Tân Long phấn đấu không chỉ dừng lại ở ST25, Japonica mà còn nhiều dòng gạo khác mang thương hiệu A AN - thương hiệu nội địa Việt Nam sẽ từng bước chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu.
Vào khoảng năm 2015, trong cơ cấu giống lúa của Việt Nam, diện tích trồng dòng gạo IR50404 vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhờ năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Nhưng vì bị đánh giá là gạo phẩm cấp thấp nên giá gạo của Việt Nam khi đó vẫn thua gạo Thái Lan một bậc. Sự thay đổi diễn ra khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao.
Gạo ST25 được trồng nhiều vào vụ Thu Đông. Bên cạnh câu chuyện thương hiệu và chất lượng, năm nay, do tình hình thời tiết không thuận lợi nên lượng lúa thu về không đủ để cung theo kế hoạch, giá lúa tăng liên tục. Từ đầu tháng 9 đến nay, gạo ST bất ngờ tăng giá mạnh, riêng Gạo Ông Cua ST25 tăng đến 3.500 đồng/kg.
Tiếp tục tăng chất chứ không chạy theo lượng
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong 9 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vượt 7 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch đạt gần 4,4 tỉ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 624 USD/tấn, tăng 13%.
Xét về lượng và kim ngạch, đây đều là mức cao hơn so với trung bình nhiều năm và hiện chỉ thấp hơn con số kỷ lục của năm 2023. Số lượng lúa đã thu hoạch của Việt Nam trong 9 tháng qua khoảng 33 triệu tấn trong tổng số sản lượng ước tính của cả năm 2024 là 43 triệu tấn.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, nhu cầu gạo thế giới duy trì ở mức cao, gạo xuất khẩu của Ấn Độ tập trung ở phân khúc khác gạo Việt Nam nên ảnh hưởng không lớn.
"Nguồn cung gạo phục vụ xuất khẩu không còn nhiều, chủ yếu là sản lượng gạo vụ Thu Đông và một ít của vụ Đông Xuân sớm. Trước thời điểm Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo, hằng năm, Việt Nam vẫn sản xuất trên 43 triệu tấn thóc, xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với giá ổn định”, ông Nguyễn Như Cường cho hay.
Ông Nguyễn Như Cường cũng khẳng định quan điểm phát triển ngành lúa gạo những năm tới là sản xuất theo kế hoạch, tùy nhu cầu thị trường và bảo đảm quyền lợi của nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bền vững chứ không chạy theo số lượng xuất khẩu để lấy thành tích.
This browser does not support the video element.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí cao trong danh sách các nước xuất khẩu gạo của thế giới với sản lượng dự kiến năm 2024 đạt 43 triệu tấn,… Đáng chú ý, Đông Nam Á có 4 quốc gia trong số 10 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Trong danh sách này, Thái Lan đứng thứ 2 với 16,5 triệu tấn, tiếp theo là Việt Nam đứng thứ ba thế giới với 7,6 triệu tấn.
Năm 2022, 100 tấn gạo Việt Nam lần đầu tiên được bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản. Với thương hiệu gạo thứ 2 của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản quốc gia, tự tin chinh phục những thị trường khó tính. Đây được coi là tín hiệu lạc quan không chỉ đối với Tập đoàn Tân Long, mà còn đối với ngành xuất khẩu lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam.