Thứ hai 18/11/2024 07:16
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Chuyển biến nhận thức về hàng Việt

Bằng nhiều hoạt động thiết thực như: đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng Việt, kết nối cung - cầu hàng hóa… Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ sau 7 năm thực hiện.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt

Chuyển biến nhận thức sâu sắc

Siêu thị Châm Chung - thị trấn Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La - là một trong những điểm bán hàng thiết yếu phục vụ cho bà con trong thị trấn và các xã lân cận từ nhiều năm nay. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Châm - chủ cửa hàng, từ khi chỉ là một tiệm tạp hóa nhỏ đến khi trở thành cửa hàng tương đối khang trang trong khu vực, tỷ lệ hàng Việt Nam đã có sự chuyển biến đáng kể. Nếu như trước đây, tỷ lệ hàng Trung Quốc chiếm đa số do bà con có xu hướng sử dụng hàng giá rẻ thì vài năm gần đây, tỷ lệ hàng Việt Nam đã chiếm đến 97%. Bà con khu vực ưa chuộng hàng Việt bởi giá phải chăng, chất lượng tốt.

Với doanh nghiệp (DN) sản xuất, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp - cho hay, là một trong những đơn vị tham gia CVĐ từ những ngày đầu tiên, công ty đã đầu tư khoa học công nghệ, thay đổi mẫu mã để sản phẩm không chỉ tốt, bền mà còn đẹp. Đặc biệt, trong vòng 5 năm gần đây, dù các chi phí tăng lên nhiều nhưng Việt Tiệp chủ trương không tăng giá sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, gần đây, Việt Tiệp còn ra mắt nhiều sản phẩm mới, lạ như khóa vân tay, khóa thần tài… Nhờ đó, đến nay, trên 90% sản phẩm của khóa Việt Tiệp đã được tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước, doanh thu tăng mạnh từng năm. Riêng năm 2016, sản lượng sản xuất của công ty đạt 16,5 triệu sản phẩm.

Thực tế trên cho thấy, sản phẩm do DN Việt sản xuất đã được thị trường ưa chuộng. Nhìn rộng hơn, sau 7 năm triển khai, CVĐ đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, đồng thời tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cả người tiêu dùng và DN.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ khẳng định: Nhận thức của người tiêu dùng đã tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây, người tiêu dùng còn chưa quan tâm, thờ ơ thì đến nay, người dân không chỉ quan tâm mà còn ưa thích dùng hàng Việt. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, DN đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Đặc biệt, DN sử dụng nguyên vật liệu đầu vào do Việt Nam sản xuất hoặc được đầu tư sản xuất tại Việt Nam để vừa giảm giá thành, vừa hỗ trợ sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa:

Thời gian tới, mục tiêu của CVĐ là nâng cao nhận thức cho cả 3 đối tượng: Người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt; DN chủ động sản xuất các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có sức cạnh tranh, đồng thời ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu trong nước sản xuất được; các cơ quan, đơn vị ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt trong mua sắm công… Đến năm 2020, phấn đấu 100% người tiêu dùng biết đến CVĐ.

Không để DN “bơ vơ”, trong khuôn khổ CVĐ, nhiều giải pháp hỗ trợ DN đã được triển khai như: Tuyên truyền về sản phẩm của DN trên các phương tiện truyền thông; DN được tham gia các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm… Các hiệp hội, địa phương cũng tổ chức đưa DN tham gia các kỳ hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Nhờ đó, không những các sản phẩm DN sản xuất ra ngày càng “được lòng” người tiêu dùng, mà nhiều sản phẩm còn xuất khẩu thành công ra nước ngoài.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, hàng hóa Việt phải cạnh tranh mạnh mẽ với hàng hóa nước ngoài. Chưa kể, đời sống phát triển khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng có nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp” thay vì “ăn no, mặc ấm”, đòi hỏi DN phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, DN được khuyến cáo phải tăng cường đầu tư công nghệ để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giúp người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm, từ đó ưu tiên lựa chọn sử dụng.

Hỗ trợ DN tăng sức cạnh tranh, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, trong khuôn khổ CVĐ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai các hoạt động truyền thông giúp DN quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng; tích cực tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt. Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, Bộ Công Thương đang triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các địa phương. Mục tiêu là đến năm 2020, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều xây dựng được các Điểm bán hàng Việt Nam cố định, trong đó, ưu tiên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tập kết hàng Việt, giúp DN giảm chi phí đầu tư điểm bán, từ đó có được địa chỉ phát luồng hàng hóa Việt sâu rộng hơn đến người tiêu dùng.

Về phía DN, ông Lê Quốc Phong - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - cho hay, chất lượng và giá cả là 2 yếu tố hàng đầu giúp chinh phục người tiêu dùng. Theo đó, để người tiêu dùng Việt ưu tiên sử dụng các sản phẩm của Bình Điền, công ty đang nỗ lực đầu tư công nghệ, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh; tranh thủ sự lan tỏa từ CVĐ để quảng bá, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Ông Lương Văn Thắng bổ sung, song song với việc sản xuất các sản phẩm trong nước, DN sẽ chú trọng sử dụng các sản phẩm trong nước đã sản xuất được nếu chất lượng tương đương để tạo động lực giúp các DN cùng tăng trưởng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, sự phối hợp giữa các DN sẽ là động lực giúp DN tăng trưởng và vững vàng trong gian khó.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Kết nối cung cầu

Tin cùng chuyên mục

Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Ninh Thuận ‘bắt tay’ cùng TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư

ITTC Hoà Bình: Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Sở Công Thương Long An hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Ninh Thuận: Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Nhiều nhà nhập khẩu quốc tế đến Cà Mau tìm kiếm đối tác

Hà Nội: Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thạch Thất

Ngành dệt may Việt Nam đang trên đà bứt phá

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Mô hình 'con tôm ôm cây lúa' đưa đặc sản An Giang lên sàn thương mại điện tử

Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần chính sách ưu đãi vượt khung, vượt trội

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024: Kết nối giao thương, mở ra cơ hội

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc