Cây cam mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Lục Ngạn |
Ðược mùa, được giá
Trên khắp các nhà vườn, người nông dân đang tất bật hái những quả cam chín vàng mọng nước. Năm nay, cam đầu vụ được mùa, được giá, hứa hẹn một “mùa vàng” với người trồng cam Lục Ngạn. Trang trại cam đầu tiên chúng tôi vào thăm là của gia đình anh Bùi Đình Hậu (xã Tân Mộc). Với diện tích vườn rộng gần 4 héc-ta, anh Hậu quy hoạch trồng hai loại cây ăn quả chính là cam Vinh và cam đường Canh, ngoài ra một phần anh trồng khảo nghiệm bưởi da xanh, cam V2. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên 5 năm gần đây, vườn cam của gia đình anh luôn được mùa cho thu hoạch từ 50 - 65 tấn quả/vụ, giá trị đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm. Riêng vụ cam năm 2016 này, anh Hậu ước thu hoạch khoảng 70 tấn quả. Hiện tiểu thương ở Hà Nội đã đến thăm đặt mua cả vườn cam Vinh với giá 30.000 đồng/kg.
Tại vườn cam Vinh của gia đình ông Nguyễn Văn Chính, thôn Nhất Thành, xã Quý Sơn cây nào cây ấy trĩu quả. Vào đầu vụ, ông hái tỉa bán gần một tấn quả với giá bình quân 30.000 nghìn đồng/kg, thương nhân đến tận vườn thu mua. Năm ngoái, gia đình ông thu nhập từ 2 đến 3 tỷ đồng từ cam, năm nay cam được giá hơn báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Từ hiệu quả kinh tế cao, mấy năm nay, diện tích, năng suất, chất lượng, sản lượng cam các loại ở Lục Ngạn không ngừng tăng. Hiện diện tích cam đường Canh của huyện là 1.191 héc-ta, năm nay sản lượng ước đạt 9.718 tấn; cam Vinh có 920 héc-ta, ước sản lượng 6.350 tấn; cam V2 diện tích 205 héc-ta, ước sản lượng 751 tấn. Trung bình mỗi sào cam cho năng suất từ 6 - 8 tạ quả, thậm chí có nhà vườn chăm sóc tốt đạt khoảng 10 tạ quả/sào. Với giá bán tại vườn từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi sào cam vinh cho thu lãi từ 16 - 20 triệu đồng”.
Hướng tới đầu ra ổn định
Để giúp người dân Lục Ngạn có niềm vui trọn vẹn với mùa quả mới, cơ quan chuyên môn của huyện cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc. Chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cùng với chất lượng nông sản nức tiếng đã khiến hầu hết các vườn quả đều có khách hàng tìm đến tận nơi.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các cơ quan chức năng quan tâm xây dựng Chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cam Lục Ngạn thì chắc chắn giá trị của loại cây này sẽ được nâng lên, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của nông dân trong huyện.
Xung quanh vấn đề tìm đầu ra ổn định cho cây cam Lục Ngạn, ông Lê Bá Thành cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả; phấn đấu đưa Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây có múi đạt khoảng 2.000 héc-ta. Để đạt được mục tiêu này, huyện tập trung thực hiện các giải pháp như: Chỉ đạo các xã rà soát chuyển một phần diện tích cây vải, hồng kém hiệu quả sang trồng cam đường Canh, cam Vinh, cam V2 tại các xã trọng điểm Hồng Giang, Quý Sơn, Trù Hựu, Thanh Hải, Tân Mộc, Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền.
Cùng với đó hằng năm, UBND huyện bố trí kinh phí hỗ trợ 50 - 60% giá giống cho hộ có nhu cầu; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật; xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Khuyến cáo người dân chỉ tăng diện tích trong điều kiện đầu tư chăm sóc tốt để tránh ảnh hưởng đến vùng sản xuất chung; phối hợp với đơn vị chuyên môn kiểm tra chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn.