Còn chủ quan lơ là
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 443 vụ cháy; làm chết 21 người, bị thương 25 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 57,9 tỷ đồng; trong đó 36 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh.
Ngày 15/2/2022, một vụ cháy xảy ra tại đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng làm nhiều người dân hoảng loạn. Địa điểm phát cháy ban đầu được xác định từ một cơ sở kinh doanh, sau đó lan sang cả dãy nhà.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân: “Từ thực tế khám nghiệm hiện trường các vụ cháy xảy ra trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh, sản xuất kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt. Do không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp. Có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện. Chưa kể đến việc người dân còn bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy... Đây chính là những nguy cơ xảy ra cháy nổ”.
Tìm hiểu thực tế tại khu phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) chúng tôi nhận thấy hầu hết các hộ kinh doanh đồ thờ, lồng chim… đều tận dụng không gian nhà ở, sau đó cơi nới phục vụ sản xuất, kinh doanh và kho chứa. Không riêng khu phố Hoàng Hoa Thám, nếu dạo quanh một vòng các phố Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Cân, Lương Văn Can… hay khu vực chợ Ninh Hiệp (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) ở Hà Nội cũng thấy tình trạng tương tự. Các vật liệu dễ cháy như giấy, xốp, vải… được bày bán, chất đầy trong các trong các căn nhà và mọi không gian có thể tận dụng được. Khó có thể tưởng tượng, nếu xảy ra cháy thì thiệt hại sẽ đến mức nào.
Để giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ tại các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh gây ra, một số địa phương đã đưa ra những quy định riêng. Ngày 31/5/2021, UBND TP Hồ Chí Minh có hành Quyết định Số 16/2021/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2021. Trong đó đưa ra nhiều quy định cụ thể: Chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9 m; không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng tại khu vực sản xuất, kinh doanh có chứa chất, hàng dễ cháy; không lắp đặt đường dây dẫn điện và thiết bị tiêu thụ điện trên tường, vách, trần, sàn nhà có cấu tạo bằng vật liệu dễ cháy; lắp đặt các bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn…
Hay như UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-UBND ngày 30-12-2021 ban hành Quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-1-2022. Quyết định quy định rõ trách nhiệm của chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân; điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội. Quyết định cũng đã đưa ra những quy định cụ thể về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh như: Bố trí mặt bằng công năng sử dụng; lối thoát nạn; hệ thống thiết bị điện trong nhà…
Nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên đường Hoàng Hoa Thám. |
Thế nhưng, tại các tuyến phố mà chúng tôi khảo sát vẫn còn rất nhiều hộ gia đình chưa bảo đảm đúng theo các quy định trên. Phần do tâm lý chủ quan, lơ là; phần vì cuộc sống mưu sinh nên vẫn chấp nhận kinh doanh trong điều kiện không bảo đảm an toàn.
Cần làm gì để hạn chế thiệt hại?
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ gỗ trên đường Hoàng Hoa Thám cho biết, chúng tôi ý thức được rằng, khi xảy ra cháy nổ thì người bị thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất chính là gia đình chúng tôi. Bởi thế, tôi và các thành viên trong gia đình luôn nêu cao ý thức phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, nhiều khi có những tình huống bất khả kháng nên cũng khó có thể nói trước được điều gì.
"Trên một tuyến phố mà hầu hết các gia đình đều kết hợp nhà ở và kinh doanh thì ý thức phòng cháy, chữa cháy của cả cộng đồng là rất quan trọng. Bởi khi xảy ra cháy, nổ thì đám cháy sẽ lan rất nhanh, ảnh hưởng đến cả một dãy phố. Tôi rất mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu phố có nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh từ đó có những hướng dẫn, nhắc nhở, kịp thời đối với các hộ gia đình” - bà Hoa nói.
Để hạn chế nguy cơ cháy nổ ở khu vực này, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng khuyến cáo, mỗi hộ dân tự kiểm tra lại nguy cơ cháy ở nhà mình, hãy chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng... Không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa.
Bên cạnh đó, người dân bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa gọn gàng, không che chắn, cản trở lối thoát nạn, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5m. Nơi chứa, chất hàng nguy hiểm về cháy nổ phải bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không tích trữ xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Đồng thời, các gia đình lắp đặt những thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện chung của tòa nhà; bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi đi ngủ và khi ra khỏi nhà”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hà Nội nêu quan điểm: “Chúng ta cần phải rà soát lại chức năng sử dụng của các công trình nhà ở. Những nơi nào đã có quy định cụ thể thì cần phải kiểm tra thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần sớm nghiên cứu, ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn giải pháp phòng cháy chữa cháy trên toàn quốc khi cấp phép xây dựng nhà ở liền kề, nhà ở phân lô... Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Cụ thể ở đây là cơ quan cấp phép xây dựng và cơ quan cấp phép sản xuất kinh doanh để bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy”.