Công bố giá sản xuất điện năm 2015 Thông tin thêm về đề xuất điều chỉnh giá điện và cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân Chính sách giá điện: Cần tính đúng, đủ theo nguyên tắc thị trường |
Theo thông tin cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính đến tháng 10/2023, giá thành sản xuất điện 2023 bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào cơ bản bao gồm biến động về sản lượng phát điện, biến động của giá nhiên liệu đầu vào...
Nguồn điện giá rẻ ngày càng giảm
Năm 2023, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino dẫn tới tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện rất thấp đặc biệt tại khu vực miền Bắc nên vào thời kỳ cuối mùa khô (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6), hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã suy giảm về mức nước chết bao gồm Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà; một số tổ máy nhiệt điện lớn (như S6 - Phả Lại 2, S1 - Vũng Áng 1, S1 - Cẩm Phả, S1 - Nghi Sơn 2, v.v...) bị sự cố kéo dài, không đảm bảo khả dụng để huy động theo nhu cầu hệ thống, nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài,... do đó EVN đã phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện kể cả phát dầu để đảm bảo việc cung cấp điện cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cả nước.
Ước tính cả năm 2023, sản lượng phát thực tế của các loại hình nguồn điện ước tính cả năm 2023 so với phương án kế hoạch 2023 đã được Bộ Công Thương duyệt như sau: thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh. Mặt khác, nếu so sánh với thực tế đã thực hiện năm 2022 thì sản lượng thủy điện giảm 22,5 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng 28,2 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 2,8 tỷ kWh.
Tỷ trọng huy động các nguồn điện tại Việt Nam |
Giá nhiên liệu biến động tăng
Theo EVN, giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm so với năm 2022, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021. Cụ thể, giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,30 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.
Biến động giá nhiên liệu |
Các nhà máy phát điện tại Việt Nam vẫn sử dụng các nhiên liệu nhập khẩu với giá thành cao như than nhập khẩu, than pha trộn, giá khí, giá dầu...
Ước tính cả năm 2023, giá than nhập khẩu NewC Index tăng khoảng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021.
Than phan trộn của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam năm 2023 có giá bình quân tăng từ 29,6% đến 46,0% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021. Giá than pha trộn bình quân của Tổng công ty Đông Bắc tăng từ 40,6% đến 49,8% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.
Giá dầu thô Brent dự kiến tăng 86% so với giá dầu thô Brent bình quân năm 2020 và tăng 13% so với năm 2021.
Đối với nguồn khí, hiện nay do khí Nam Côn Sơn (Lô 06.1, có giá khí tại mỏ ~ 3 USD/triệu BTU) suy giảm sản lượng mạnh nên các nhà máy nhiệt điện khí (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1&2 và Bà Rịa) tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch – Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng có giá cao, đặc biệt khí Thiên Ưng, Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá rất cao.
Bên cạnh giá nhiên liệu tăng, tỷ giá ngoại tệ cũng tăng mạnh, bình quân năm 2023 dự kiến tăng 4% so với năm 2021.
Do giá nhiên liệu tăng cao, làm cho giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao - trong khi các NMNĐ than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% (năm 2023) tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
Tuy giá than nhập tính toán trong phương thức vận hành tháng 10/2023 có giảm so với số liệu sử dụng trong tính toán phương thức vận hành tháng 3/2023 (giá dầu tăng) nhưng việc phải tăng cường huy động các nguồn nhiệt điện có giá mua cao để bù đắp sản lượng thiếu hụt của nguồn thủy điện do không đủ nước theo kế hoạch dẫn đến chi phí SXKD điện của EVN cập nhật quý 3 năm 2023 tiếp tục tăng cao.
Ngoài ra, có nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được đưa vào vận hành từ tháng 6 năm 2023 (tổng số là 21 nhà máy với tổng công suất 1.201,42MW) nên sản lượng điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong phương án giá bán lẻ điện bình quân cập nhật quý 3 cũng tăng so với phương án giá điện cơ sở (phương án điều chỉnh giá điện ngày 04 tháng 5 năm 2023).
Tính đến thời điểm này, trong cơ cấu giá thành sản xuất điện, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng tới 82,8% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện sẽ ảnh hướng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.
Nỗ lực tiết kiệm, tiết giảm chi phí
Trong bối cảnh tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, trong các năm 2022-2023, EVN đã đề ra và quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí với kết quả thực hiện được tiết kiệm chi phí trong 9 tháng đầu năm 2023 là khoảng hơn 4300 tỷ đồng; trong đó có một số biện pháp tiết kiệm chi phí điển hình đã được thực hiện như: (i) Tiết kiệm tối thiểu 10% các chi phí thường xuyên theo kế hoạch định mức; (ii) Cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định của tất cả các đơn vị thành viên của EVN,...
Theo đó, giá thành khâu truyền tải, phân phối – bán lẻ và phụ trợ giảm dần qua các năm. Năm 2020, giá thành các khâu này là 392,9 đ/kWh nhưng ước năm 2023 vào khoảng 347 đ/kWh.
Giá thành sản xuất điện năm 2023 cao hơn giá bán lẻ điện bình quân
Do cơ cấu chi phí phát điện chiếm tỷ trọng lớn (82,8%), cơ cấu sản lượng thay đổi theo hướng bất lợi (các nguồn mua có giá rẻ giảm, nguồn mua có giá đắt tăng), giá các loại nhiên liệu năm 2023 vẫn ở mức cao so với năm 2020-2021, dẫn tới chi phí sản xuất và mua điện vẫn tăng cao. Với một số yếu tố đầu vào cơ bản ảnh hưởng giá thành như ở trên cũng như các biện pháp tiết kiệm chi phí đã được thực hiện, thì giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.
Mặc dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 04/5/2023, doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, tuy nhiên điều này cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.
Tại Toạ đàm "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức ngày 31/10/2023, các chuyên gia kinh tế-năng lượng đều khẳng định cơ chế giá điện hiện hành còn nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng nguyên tắc thị trường, gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. Do đó cần sớm sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành điện cũng như đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian sắp tới. |