Chính thức ký kết mua bán điện tại siêu dự án điện khí LNG 1,4 tỷ USD Chung tay tìm giải pháp đẩy nhanh các dự án điện khí LNG NSMO phối hợp ‘4 nhà’ giữ nhịp vận hành hệ thống điện |
Nhằm đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nguồn nhiên liệu khí LNG phục vụ huy động các nhà máy điện, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chiều ngày 11/4 tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) đã tổ chức cuộc họp với PV Gas và các bên liên quan nhằm thảo luận công tác phối hợp vận hành các nhà máy điện sử dụng khí LNG.
![]() |
Toàn cảnh cuộc họp |
Cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo: Cục Điện lực, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas).
Vai trò then chốt của phối hợp vận hành
Sự hợp tác giữa Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy và tối ưu hóa nguồn điện khí tại khu vực phía Nam.
Ông Nguyễn Đức Ninh – Tổng giám đốc NSMO cho biết, trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia ngày càng chịu áp lực lớn về cân đối nguồn tải, đặc biệt tại khu vực miền Nam nơi nhu cầu điện liên tục tăng cao, việc đảm bảo nguồn cung từ các nhà máy điện khí giữ vai trò sống còn, được kỳ vọng bù đắp phần thiếu hụt công suất và hỗ trợ chuyển dịch năng lượng xanh.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng giám đốc NSMO |
Tuy nhiên, điện khí không thể vận hành tách rời khỏi hệ thống hạ tầng khí, từ tiếp nhận LNG, tái hóa khí, đến truyền tải khí về nhà máy.
“Do đó, sự phối hợp vận hành giữa đơn vị điều độ hệ thống điện (NSMO) và đơn vị cung cấp khí (PV GAS) là yếu tố mang tính sống còn, không chỉ với riêng từng dự án mà với cả hệ thống điện quốc gia”- ông Nguyễn Đức Ninh nhấn mạnh.
Với tính chất đặc thù của chuỗi cung ứng LNG, vốn đòi hỏi tính chính xác cao, thời gian cung ứng đồng bộ và khối lượng tiêu thụ ổn định – NSMO và PV Gas đã và đang thiết lập quy chế phối hợp chi tiết, minh bạch và chủ động từ khâu lập kế hoạch, cập nhật thông số kỹ thuật, cho đến vận hành thực tế.
Quy trình phối hợp bài bản, bảo đảm an ninh năng lượng
Tại cuộc thảo luận, ông Nguyễn Vỹ - Trưởng Trung tâm điều độ khí PV Gas chia sẻ: Thời gian qua ở kho cảng Thị Vải Tổng công ty đã tiến hành vận hành thử nghiệm nâng công suất từ 5,7 lên 7,7 triệu Sm3/ngày từ ngày 04 – 06/03/2025 và đã được ĐNV (Đăng kiểm quốc tế Anh) cấp chứng chỉ vận hành ở công suất 7,7 triệu Sm3/ngày từ ngày 06/03/2025.
![]() |
Ông Nguyễn Vỹ thông tin tình hình nguồn cung khí cho các nhà máy điện khí LNG |
Liên quan đến chuỗi cung ứng LNG, PV Gas lên kế hoạch nhập tàu LNG số 2 vào Cảng Thị Vải trong khoảng ngày 19 – 20/4/2025, với lượng LNG giao nhận khoảng 3.200.000 triệu BTU, tương đương khoảng 89,2 triệu Sm³. Trước đó, một tàu LNG đã cập cảng vào ngày 4/4, như vậy, trong tháng 4, hệ thống LNG dự kiến tiếp nhận khoảng 160 triệu Sm³.
Về lượng tiêu thụ, từ đầu tháng 3 đến 10/4/2025, hệ thống đã sử dụng tổng cộng 75,9 triệu m³ khí LNG, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của LNG trong cấu phần nhiên liệu sơ cấp phục vụ sản xuất điện.
Theo ông Huỳnh Quang Hải – Phó Tổng giám đốc PV Gas, trong dài hạn, bên cạnh khó khăn trong nhập khí LNG thì nguồn cung khí nội địa từ 2026-2027 giảm dần nhất là sau năm 2027. Do đó để chuẩn bị nguồn nhiên liệu cho sản xuất trong thời gian tới việc dự báo và thống nhất phương án dự trữ nguồn cung khí là rất quan trọng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Tổng giám đốc NSMO cho biết hiện còn một số khó khăn như: Khả năng cấp khí nội địa có giới hạn; khó tách biệt tổ máy dùng LNG hay khí nội địa trong từng chu kỳ. Ngoài ra, việc vận hành theo từng chuyến tàu nhập khẩu khiến huy động LNG chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế, đồng thời làm giảm hiệu quả tiêu thụ khí nội địa.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Trung- Phó Tổng giám đốc NSMO trao đổi tại cuộc họp |
“Do vậy, để bám sát tình hình thực tế, việc lập kế hoạch vận hành điện khí được xây dựng theo chu kỳ ngày – tuần – tháng và quý, trong đó có sự tham gia đồng thời của PV GAS”- ông Trung cho hay.
Một điểm nhấn quan trọng là việc hai bên thiết lập cơ chế phối hợp theo “ba lớp” gồm điều hành cấp cao, kỹ thuật vận hành và dự báo cung cầu. Điều này đã cho thấy hiệu quả rõ nét trong thời gian vừa qua.
Hướng tới vận hành tối ưu và giảm phát thải
Ngoài việc bảo đảm an toàn hệ thống, sự phối hợp giữa NSMO và PV GAS còn hướng tới mục tiêu dài hạn là vận hành tối ưu chuỗi điện – khí, giảm phát thải và đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Việc sử dụng LNG giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính so với điện than, nhưng đồng thời cũng yêu cầu hệ thống điều độ phải có độ nhạy cao với biến động nhu cầu và diễn biến giá khí quốc tế.
Tại cuộc họp, NSMO cũng đưa ra một số giải pháp trong đó đặc biệt về cơ chế giá. NSMO đề nghị xem xét áp dụng cơ chế giá khí trộn giữa LNG và khí nội địa, nhằm tối ưu chi phí toàn hệ thống, đồng thời đảm bảo minh bạch trong chào giá, lập kế hoạch và thanh toán.
![]() | |
Ông Trần Đình Ân - Phó Tổng giám đốc EVNGENCO3 phát biểu tại cuộc họp |
Ông Trần Đình Ân – Phó Tổng giám đốc EVNGENCO3 chia sẻ, rất cần có chính sách dài hạn cho điện khí LNG. Bởi thực tế, nhiều thời điểm giữa kịch bản cung cấp điện và thực tế có sự chênh lệch đã khiến các nhà máy điện khí và đơn vị cung cấp khí gặp khó khăn.
Trong thời gian tới, các trung tâm điện khí LNG tại miền Nam như Long An, Bạc Liêu, Nhơn Trạch 3,4... được khai thác mạnh mẽ, NSMO và PV GAS sẽ tiếp tục thảo luận để có các giải pháp mang tính dài hạn, đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu phụ tải tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Việc NSMO và PV Gas tăng cường phối hợp, cả về kỹ thuật lẫn cơ chế thị trường, không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn cao điểm, mà còn mở đường cho phát triển thị trường LNG nội địa bền vững. Trong bối cảnh biến động địa chính trị và xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, sự chủ động và linh hoạt trong quản lý nguồn khí sẽ là nhân tố quyết định hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia. |