Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về giá điện tại Dự thảo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg Thông tin thêm về đề xuất điều chỉnh giá điện và cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân |
Giá điện vẫn còn bao cấp
Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh… Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra. Điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính |
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra. Như là 6 tháng 1 lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh. Điều này đã được thể hiện trong Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Tuy nhiên từ 2017 đến nay đã 6 năm nhưng giá điện mới điều chỉnh 3 lần không đảm bảo thời gian quy định. Bên cạnh đó, do thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... nên các lần điều chỉnh giá đã không tính đủ giá thành của điện vào trong giá điện.
Đơn cử như đợt điều chỉnh gần nhất, giá thành tăng 9,27% nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh có 3%. Tất cả những điều đó đều gây khó khăn về nhiều mặt. Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường.
PGS. TS Trần Đình Thiên |
Cùng quan điểm nêu trên, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, giá điện tại Việt Nam vẫn có sự điều tiết của nhà nước để hỗ trợ các lực lượng yếu thế trong xã hội.
Nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng và các yếu tố khác như tỷ giá hối đoái cũng biến động nhưng giá điện của chúng ta vẫn giữ giá rất là thấp thậm chí là tăng hầu như không đáng kể. Như vậy giá điện vẫn còn mang tính bao cấp. Tuy nhiên nó trả giá bằng câu chuyện là thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng. Đấy là cái mà chúng ta đang phải trả giá.
Nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế - xã hội
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, giá điện thấp khó sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế như dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, khó tái sản xuất; Khó khăn trong thu hút đầu tư xây dựng hệ thống nguồn điện, truyền tải, phân phối.
Các nhà đầu tư trong hay ngoài nước họ phải có lợi nhuận mới làm, nếu không đủ chi phí thì họ không thể đàu tư. Thiếu điện sẽ có nhiều điểm nghẽn, từ sản xuất đến kinh tế.
TS. Hà Đăng Sơn |
TS. Hà Đăng Sơn cho biết, giá điện thấp không thay đổi được hành vi tiêu dùng của người sử dụng điện. Các nhà đầu tư vẫn sử dụng công nghệ cũ, gây lãng phí, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, giá điện thấp sẽ không công bằng giữa các doanh nghiệp đang nỗ lực sử dụng năng lượng xanh và doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp, tiêu tốn năng lượng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành cũng đã có nhiều nỗ lực để đưa ra các quy định và đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả song cũng đã đến ngưỡng. Cần phải thay đổi tư duy cũng như có đầu tư đủ lớn cho ông nghệ để giải quyết tận gốc vấn đề. Và điều này sẽ liên quan nhiều đến chính sách giá điện vì hiện nay theo một cách nào đó chúng ta vẫn đang trợ giá.
Các diễn giả tham gia Toạ đàm do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều ngày 31/10/2023 |
Cần tính đúng đủ theo nguyên tắc thị trường
PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, việc tính đúng, tính đủ giá điện, các chi phí vào giá điện là rất cần thiết vì không thể duy trì một mức giá bao cấp được. Sự chênh lệch giữa giá điện sản xuất bán ra thấp so với chi phí cao dẫn đến ngành điện (tức phía cung) không thể đầu tư sản xuất được. Đã đến lúc cần thay đổi, tính theo đúng giá thị trường theo nguyên tắc để thị trường quyết định. Tuy nhiên cần tác bạch phần hỗ trợ cho nhóm yếu thế riêng để tránh cho doanh nghiệp ngành điện phá sản.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, tính đúng, tính đủ như mình nói là một yêu cầu bắt buộc trong sản xuất, kinh doanh khi chúng ta tiến ra kinh tế thị trường. Các quy định về nguyên tắc đã được quy định trong Luật giá là bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận. Đồng thời điều chỉnh kịp thời khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
“Nguyên tắc này minh bạch rồi, không phải bàn nữa, căn bản là quyết tâm chính trị có dám làm hay không?” – Ông Thoả nói và cho rằng, đã đến lúc phải bảo đảm nguyên tắc thị trường hạch toán, tính toán giá điện và chính sách hỗ trợ riêng cho đối tượng yếu thế cần tính toán chương trình khác.